Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

NGẪM VỀ NHỮNG QUAN NIỆM











Đời người là một chu trình “Sinh, lão, bệnh tử". Bởi vậy nhà ai cũng đều có giỗ 

Ngày húy kị ông bà, cha, mẹ. Con cháu, dù làm ăn ở đâu cũng về chịu lễ. Đó là Đạo lí làm người, cả hiếu, cả tình, nặng lòng tri ân của kẻ cháu, con. Trừ  trường hợp bất khả kháng, hay do làm ăn, cư trú nơi xa không thể về được cố quê, phải hương khói bái vọng nơi xa. 

Ngày húy kỵ, người giàu có thì làm cỗ sang. Nhà nghèo, không có tiền, cũng có bát cơm, canh cúng ông bà, cha mẹ. Vợ chồng thành tâm, cháu con, anh em xôm tụ. Tất cả đều là hiếu đễ. Miễn là từ tấm chân tình.

Hay ho gì khi cha mẹ còn sống, không cho nổi bát canh, không mua nổi manh áo. Ốm đau, không ngơ ngó, không giặt nổi chiếc áo, cái quần... Giờ cha mẹ chết, ma to, cỗ lớn, để làm gì?

Việc thờ cúng, nhà nào, người nào cũng vậy. Dù giàu hay nghèo khó, nhà to hay nhỏ, cũng dành nơi quan trọng nhất trong nhà, là nơi để bát hương, di hình ông bà, cha mẹ làm nơi thờ cúng.

Nhưng ngày nay, giỗ chạp, nghe mà cay nơi khóe mắt...!

Thiên hạ, người giàu có, nhiều tiền của, khoe sang, làm cỗ thật to, khách mời thật đông. Sang chọe thì đi nhà hàng, ở làng thì dựng rạp. Rượu ngà ngà thì mở loa hát ca, cứ như là đám hỷ. 

Hại thay, người không có cũng đua đòi, bắt chước hoặc là phải trả nợ miệng

Việc dành nơi thờ cúng cũng vậy. Người làm ra lắm tiền, xây nhà thờ to, đúc tượng đồng lớn thờ bố mẹ cũng tốt. Nhưng đồng tiền bẩn, do tham nhũng, hối lộ… Thì có làm nhà thờ to, hoành tráng đến mấy cũng mất thiêng. 

Lại có kẻ nhà to, phòng lắm, lại để nơi thờ cúng tiên tổ, ông bà cha mẹ lên chót vót cầu thang, cứ như dấu cho khuất vậy. Mùa đông giá lạnh, mùa hè nóng vãi linh hồn, toát mồ hôi tiên tổ… thì còn đâu mát mẻ phúc nhà. 

Mồ mả là quan trọng. Ông bà, cha mẹ, người thân, khi về trời, chọn nơi an nghỉ, mồ yên mả đẹp là một trong những trách nhiệm, đạo hiếu và cũng là nỗi lo của kiếp người. 

Quan lại ngày nay, càng quan to, lại càng chơi hoành tráng! Họ tìm nơi đất vàng, chọn hướng xây mã to, xây nhà thờ lớn, mong cho mã kết, thờ thiêng, con cháu kế nghiệp làm quan đời đời.. 

Mà mã to làm gì, ngoài mục đích chiếm đất! Dân gian thường nói “To như mã Thằng ăn mày”, chứ nào đã tôn trọng gì. 

Những điều trên, nói là nói vậy thôi, âu cũng là tùy theo thực tế và quan niệm của mỗi người. 

Con và của không ai chê ít. Có con, đông con, đó là mong ước đã thành khát vọng của ông bà thân sinh ra chúng ta xưa. Thời nay, đẻ con nhiều, đã thành lạc hậu. Chỉ khi về già, bệnh tật…Dù có ở trong nhà dưỡng lão đủ đầy vật chất, nhưng chắc rằng sẽ thấm thía nỗi cô đơn!

Xưa, có gia đình lận đận sinh con nhiều bận, nhưng không nuôi được, phải đi cầu tự, nhờ thầy yểm bùa hoặc nuôi con nuôi. Rồi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Thành tâm nguyện cầu, ăn ở phúc đức, trời Phật thương, thì cầu được ước thấy.

Đặt tên ư ? Tên gọi rất quan trọng với một người, vì nó gắn với chúng ta cả cuộc đời. Do vậy, tên người chẳng những ảnh hưởng đến tiền đồ sự nghiệp mà còn sẽ tác động đến tâm lý chính chủ nhân của nó. Ngày xưa ông bà quan niệm nam văn, nữ thị để phân biệt giới tính, giờ thì lộn lèo. Xưa, đặt tên theo vần tên cha mẹ, theo dòng nòi, giống. Nhà khó nuôi con, phải đặt tên con cho xấu, để khỏi quỉ ghẹo, ma trêu, như tên thằng buồi, cái đĩ, cái sắn, thằng khoai... 

Ngày nay thiên hạ  đua nhau đặt những cái tên thật kêu, thật oách nghe là lạ.  Thậm chí đặt cái tên dở tây, dở tàu, chỉ mong khác người. Rồi thì tranh nhau đặt tên của những người đẹp, nổi tiếng như Mỹ này, Hồng nọ,  Gia kia. Những là Aí Mỹ, Bảo Xuân… thôi thì đủ thứ.  Đẹp chẳng cần phải từ giống nòi, tông, giống. Tài chẳng cần luyện rèn, chẳng cần tầm sư học đạo. Miễn  cứ  tên lạ sẽ đẹp, hát sẽ hay, sẽ cho giàu tiền lắm của, rồi tiếm đất xây biệt phủ, không phải nuôi lợn, chạy xe ôm, bán chổi đót… mà vẫn giàu!

Mong là mong vậy, nhưng cũng có người toại nguyện, người không. Nòi nào giống nấy, cũng như thầy tu thì mặc áo tu. Nhưng cái áo không làm nên thầy tu là vậy ! 

Mà cũng lạ, cái tên thằng Tham, con Nhũng, là nguyên cớ nhanh giàu, mà sao cũng ít người đặt 

Trộm nghĩ: Mỗi cái tên cha mẹ đặt ra dù hay, bay bướm, hoạc trần trụi...  đều mang ý nghĩa, sự gửi gắm của người thân yêu mình. Còn thiên hạ có cái để gọi, để phân biệt, để kính trọng hay để khinh bỉ, nguyền rủa...Tùy ở tình cảm mỗi con người. 

Cứ như tên Trạch Văn Đoành có nổ, cũng chẳng làm ai sợ. Tên Huệ, Bích, Hồng, Hương... nếu tâm ác cũng chẳng tạo nên vẻ đẹp. Xấu ma chê quỉ hờn như thị Nở, khi yêu, anh Chí cũng thấy đẹp đến rạng ngời! Bởi vậy, tạo được vẻ đẹp chủ yếu nhất vẫn là cái tâm.

Người Việt ta duy tình. Trăm lý không bằng tí tình. Máu chảy ruột mềm.Tình cảm có khi còn trên cả lý trí.  Phải chăng, bởi do từ nền giáo dục, truyền thống và bản chất gia đình, mà ta thường nặng tình, nặng gánh con cái. Quý tình nghĩa hơn cả chức quyền, tiền bạc và luôn nhắc truyền thống cho con cháu học tập, làm theo gương ông cha Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Yêu quý thương yêu các con hơn cả cuộc đời mình. Thương yêu chúng mê muội đến mức như “cá chuối đắm đuối vì con”. 

Bởi lẽ: có yêu thương, quý trọng gia đình thì mới biết yêu thương quý trọng người ngoài xã hội. Âu cũng là nhân quả vậy !

Nhân khi đang giản cách mùa Cô vít, nhàn đàm, ngẫm tý cho khuây.

Bạn Fay ai vào đọc, đồng cảm thì Thanhkiu, không ưng thì cho qua, xin đừng gạch đá! 

10/10/2021