Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

LẶNG LẼ ĐÔNG VỀ













Chiều đầu đông. 

Mưa dăng trắng xóa

Đường tẻ vắng,

bước chân ai vội vã

Tím bờ môi hun hút gió lùa

Mưa mù trời, 

giọt buồn rơi tơi tả

Trong cô liêu, 

thong thả tiếng chuông chùa

***

Phố im lìm 

lạnh giá một chiều mưa

Mãi miết tầng không đàn ngỗng trời bay trú rét

Nơi đâu đó 

khoảng trời xa cách biệt

Đất phương Nam 

đâu biết tái tê này

***

Tỉnh lặng chiều nay 

sao lòng buồn quá

Con hẻm nhỏ 

nuớc bùn trơ sỏi đá 

Nghe lạnh chân giày

thấm ướt giọt chia xa

Đồng mông quạnh 

hắt hiu từng gốc rạ

Lặng lẽ đông về, 

lạnh giá đậu trên tay . 

         Đông về

Những ngày mưa phùn gió bấc

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

TOẢ SÁNG NỤ CƯỜI

 











Chúc mừng thế giới đàn bà

(Nhân Tháng ba Ngày tám)

Sáng se lạnh.

Quán hoa nơi thị thành, nhộn nhịp người lui, kẻ tới 

Những ánh mắt hân hoan

Những nụ cười tỏa nắng 

Phố yên bình, tràn ngập những hoa tươi 

Khoe sắc thắm, bừng nở chào ngày mới 

Những đóa hồng, bông lưu ly… như cùng trong chờ đợi.

Mùng tám tháng ba đến rồi 

Sắc hoa tươi, tô thắm đất trời 

Hòa cùng lòng người, tràn ngập niềm vui 

7/3/2023

MỆT HƠN ĐI CÀY








"Về hưu giữ cháu trông nhà"

Tưởng là nhàn hạ ông bà đều vui 

Nào ngờ trông mỗi cháu thôi

Ông bà đã ngấm đủ mùi gian nan :

Bắt đầu từ chuyện cho ăn 

Nấu nướng bát đĩa cái khăn cái thìa

Lúc cõng lúc bế lúc xe..

Lúc bắt ông hát lúc nghe qua đài 

La khóc đến điếc cả tai

Vật nhau với cháu vì vài thìa cơm

Được cái nói cười luôn mồm

Cái gì cũng bắt chước luôn tức thì :

Học quét nhà mở ti vi

Bấm quạt giót nước cái gì cũng theo

Cầu thang cứ khoái được trèo

Thích gì phải được nuông chiều mới nghe 

Tính nóng nảy như Trương Phi

Hễ không vừa ý tức thì  quăng ngay

Trông cháu vất vả cả ngày

Đủ chiêu đủ cách để bày cho chơi

Ông bà trông mỗi cháu thôi

Cả hai đều mệt mồ hôi đầm đìa

Quần nhàu áo đứt cả khuy

Quai chén ấm tách nó đi mỗi đường

Gần trưa  mở nhạc quê hương

Xuân Mai bài hát về trường năm xưa

Xem tranh hổ báo thỏ lừa

Rồi bế lên võng đung đưa ơi à ...

Già rồi giữ cháu trông nhà

Quây quần bên cháu ông bà thấy vui ! 

Tháng 3/2012

MẸ CHÁU VẮNG NHÀ

 










Đau lòng ông lắm cháu ơi

Đêm khuya cháu khóc lệ rơi vai bà

Mẹ còn đi học trường xa

Không như mọi  bận mẹ tha đi cùng

Mưa phùn, buốt giá đêm đông

Xa con còn chỉ cậy trông ông bà

Hiếu học truyền thống nhà ta

Chứ đâu học chỉ mong là vinh hoa

Thương cháu lòng những xót xa

À ơi ru cháu lệ bà đẫm mi

Vì sự học mẹ đi thi

Đam mê quan chức làm gì hả con ? 

Những kẻ "võ dát văn  mòn "

Ô dù mà có đâu còn phần ai

"Tại chức từ học cấp 2…”

(Nhưng nhiều mánh lới, giờ hai, ba bằng)

Học hành con gắng xiêng năng

Bõ công ngày tháng con hằng đợi mong

Nghe ra cháu cũng vui lòng

Nấc thôi, không khóc, ông xong thơ này ! 

Mùa đông 2011

VIÊT CHO CON GÁI








Sinh con lòng những ước mong

Nếu là con gái gả chồng gần thôi ? 

Lúc trái gió lúc trở trời

Lúc mạnh khỏe lúc buồn vui bên mình 

Chỉ cần cái nghĩa cái tình

Chứ đâu bố mẹ dưỡng sinh cả đời 

***

Bây giờ lấy chồng xa xôi

Cũng là duyên số cuộc đời con ơi

Chỉ một điều mong con tôi

Đã yêu, thì hãy lấy người mình yêu

Gần xa hay có giàu nghèo

Cảm thông chia sẻ sớm chiều bên nhau

Bố mẹ có cần gì đâu

Chỉ cần có vậy đó câu đáy lòng ! 

11/2009            

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

VỀ MIỀN KỶ NIỆM


 


Cho về kỉ niệm thôi em
Nhắc làm chi nữa, con tim khổ rồi
Đã bên kia dốc đường đời
Dẫu vinh hay nhục một thời đã qua
Chỉ còn dấu ấn gọi là
Chỉ trong kí ức để mà tơ vương
Lối mòn xưa đã nên đường
Bản Mường giờ đã phố phường lầu cao
Tìm đâu lối nhỏ thuở nào
Bê tông chìm khối, lối vào lặng thinh !
Cầu mới thay bến hữu tình
Chỉ sông còn nhớ bóng mình soi chung...
28/10/217

MÙA CẢI LÊ ( BVB)

 









Nới đến dưa Lê, nhiều người nhầm tưởng đây là loại trái cây. Bởi người ta thấy ở ngoài thị trường phổ biến là quả dưa lê, họ táo, là một trong những loại trái cây phổ biến ở các nước nhiệt đới. Dưa lê có mùi thơm, vị ngọt, thường được dùng làm món tráng miệng. Có hai loại dưa lê là dưa da trơn và dưa da sần.
Nhưng trong bài này, viết về hương vị quê nhà, tôi muốn nói đến dưa cải ngồng, loại dưa cải muối chua làm thức ăn, chứ không  phải trái dưa phổ biến trên đây. Đó là dưa cải ngồng ở làng Lê, thuộc xã Yên Thái (Yên Định, Thanh Hóa). Từ xa xưa, loại rau đặc sản này được xếp vào hàng thực phẩm "tiến vua", nổi tiếng tận kinh kỳ Thăng Long.
 Những bữa cơm đạm bạc, chỉ dưa cải ngồng chấm với nước mắm, nước kho thịt hay kho cá đồng cùng cơm gạo mới mà ngon đến lạ lùng. Cho đến giờ tôi vẫn không quên được hương vị của những bữa ăn gia đình có món dưa Lê muối.
Tôi vẫn nhớ đến những câu ca vè dân gian về dưa cải ngồng:
               Cày đồng giữa lúc ban trưa
               Lên bờ, cơm nắm với dưa cải ngồng
               Cải ngồng là cải ngồng dưa
               Thưa với cậu tôi chưa có chồng…
        Hoặc tình tứ, ý nhị hơn:
                           Hỡi cô tưới cải bên sông
                   Có muốn kín nước thì lồng xuống đây.       
                           Xuống đây, anh nắm cổ tay
                   Anh hỏi câu này, cải đã ngồng chưa?
                         Cải ngồng anh để muối dưa
                  Cô em bắc giá, anh mua cải ngồng.
               Con gái vùng quê ven sông do cái khí lành sông nước, nơi làng quê thanh bình, mịn màng đất cát pha, nên thường duyên dáng, dịu dàng. Con gái xứ cải ngồng da đẹp một phần cũng do cái thứ dưa cải ngồng có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, có cô da cứ trắng như trứng gà bóc. Con gái làm nghề trồng rau, trồng hoa trên đất bãi ít cơ cực hơn trồng lúa nước, thường tất bật, lội lầy, da dẻ bị kém phần sáng đẹp. Người ta gọi cái việc thường nhật đi gánh nước tưới hoa, rất ý vị sâu xa là đi "kín nước". Con gái đi "kín" nước, vừa đủ nghĩa đen, vừa hường nghĩa bóng. Vì cô gái nết na, dịu dàng, cho nên có quyền "bắc giá" (treo cao giá ngọc), khi người con gái đang treo cao giá ngọc, hỏi chuyện duyên tình chắc gì đã dễ, khách cứ mua cải ngồng cái đã, làm quen rồi tính tiếp...           
            “Cải đã ngồng chưa?”, là hỏi mùa dưa cải đã đến độ ra ngồng chưa? Bởi vì loại rau cải chuyên muối dưa này đễn kỳ vụ là nở hoa, cuông hoa dài, non, vươn cao, uốn cong gọi là ngồng. Ngồng (cuống hoa) thường tròn bằng đầu đũa, đủ độ cao cần thiết thì nở hoa. Chùm hoa nặng vít cong ngồng như hình móc câu, uốn đểu, nên có người còn gọi là cải vòng.
Làng Lê bên bờ Nam sông Mã, cách thị trấn Quán Lào gần 4 cây số. Nơi đây có vùng đất bãi bồi rộng lớn, đất cát pha rất tốt, dưa cải ngồng ưa sống và mọc tốt trên đất này. Không biết có phải do chất phù sa cát pha đặc biệt ở đây hay không, mà dưa cải ngồng làng Lê trở thành đặc sản, khẳng định thương hiệu từ nhiều đời nay.
         Rau cải ngồng làng Lê thời vụ ngắn ngày. Rau được "bắc" (gieo hạt) vào mùa Đông, từ tháng 9 đến tháng 11 (AL).  Từ khi gieo hạt (vãi giống), chăm sóc chỉ trong vòng hơn một tháng là cho thu hoạch.  Do là loại rau màu ngắn ngày, lại ít cần ánh sáng, để tránh lãng phí đất người dân thường trồng xen canh với ngô. Khi cây ngô lớn thì rau cải cũng đã thu hoạch được rồi. Những năm gần đây việc sản xuất gieo trồng rau cải Lê đã phát triển và lan dần tới các vùng lân cận. Dưa cải ngồng phải thu hái đúng kỳ vụ, khi ngồng hoa đã uốn cong, hoa cải nở vàng. Nếu thu hoạch trước, thì cải còn non, muối dưa dễ bị khú, mềm xèo, ăn không giòn. Còn nếu như để quá lứa, dưa đem muối cũng giảm vị ngọt, bớt thơm, ăn không giòn mà lại dai, nhiều xơ. Dưa cải ngồng làng Lê ngon ở cái ngồng, ăn giòn mà ngọt hậu.
           Đến kỳ thu hái dưa Lê, người ta bó thành từng bó gọn nhẹ, đem ra chợ bán. Bó dưa phải bằng cọng rơm. Nếu được rơm nếp càng tốt. Bởi cây cải dưa Lê mềm, mảnh, nếu bó lạt tre sẽ làm “đau” dưa, tức là dập, cọng dưa dễ bị dập, nhanh héo, có khi gãy, đem muối cùng dễ sinh ra dưa bị khú, hoặc nổi váng trong vại.
            Người ta mua dưa ở chợ về, chưa vội rửa, mà bung bó dưa ra, xỏa tung dưa, dàn mỏng trân nia, hoặc mẹt, đem phơi ở nơi có nắng dịu. Thỉnh thoảng phải trở dưa dưới nằng cho dưa héo đều. Khi dưa đã phơi ráo nước và hơi héo, tức là “no nắng”, người ta mới đem dưa rửa nước sạch. Không ai đem rửa dưa lúc mới vừa phơi nắng còn hơi nóng. Người ta phải để cho nguội dưa mới đem rửa. Xong mới đem muối chua, làm thức ăn.
            Muối dưa ít ai muối vào chum to, mà chỉ muối vại sành nhỏ, vừa, ăn trong vái tuần, hết lại muối vại khác. Có nhà cẩn thận đã muối kế tiếp. Tức là không đợi hết vại này mới muối vại khác, khi xem chừng vại dưa gần hết, người ta đã lo muối vại khác. Dưa “vào ngồng” đúng kỳ vụ chỉ trong thời gian ngắn, cho nên muốn có dưa ăn được nhiều tháng, người ta có cách muối nén chặt. Dưa muối trong vại phải ngập nước, tốt hơn nên có cái vỉ bằng tre và đè lên trên cục đá nhỏ, ép dưa chìm dưới nước. Nếu để dưa nổi lên trên mặt nước thì dưa dễ bị khú, hoặc nổi váng, biến màu, ăn mắt ngon, giảm hương vị. Dưa muối bị biến màu nghĩa là dưa đem ra ăn màu không được vàng, mà có khi mâu thẫm hoặc xanh đen.
          Từ lâu đời, dưa Lê là món ăn phổ biến của bà con nông dân huyện Yên Định và các vùng lân cận. Mùa dưa Lê, ở chợ Bản (Quán Lào), chợ Sét, chợ Kiểu bày bán đầy dưa. Người buôn thúng bán bưng còn gánh dưa cải làng Lê đi vào tận các ngõ xóm mời hào người mua.
            Dưa Lê ăn rất “bắt cơm” vì cái vị vừa chua, thấm đạm ngọt thanh, nhai nghe rau ráu, lại thơm và ngọt hậu, đã ăn rồi dễ sinh ra “bắt thèm”. Lượng vitamin B, C và đạm trong dưa Lê rất tốt cho tiêu hóa và còn có tác dụng giải nhiệt rất tốt, hiệu quả nhanh. Dưa muối khéo, lượng muối chuẩn, màu dưa cứ vàng rộm, pha chút óng ánh. Nước dưa chan cơm ăn, nhất là cơm nguội gạo thơm thì ngon khó quên. Dưa Lê muối chua mà kho cá đồng thì trở thành món thức ăn tuyệt hảo. Dưa cải chua thường ăn kèm với thịt luộc, thịt quay, cá rán kèm thêm bát mắm ớt tỏi. Hay có thể dùng nấu canh cá, nấu với sườn non. Trời nắng nóng, dùng dưa kho cá ngừ, cá đối hay om cùng cá chép cũng rất dễ ăn.Bí quyết muối dưa cải ngon, ăn chống ngán. Ngày Tết, có dưa Lê muối chua vàng ăn với thịt đông thì “tuyệt cú mèo”.
           Ngày xưa, bà con làng Lê tròng dưa ngoài bãi sông. Đất cát pha do phù sa bồi đăp qua mỗi mùa lũ đã là thứ đất rất tốt, để dưa mọc tự nhiên, ít khi phải phải bón phân. Mà nếu cần bón phân thì bà con chỉ bón phân hữu cơ (như phân chuồng, phân mùn, phân bìn phơi kho tán nhỏ). Vì thế, nó hoàn toàn là thứ rau sạch. Cái vị ngon và hương thơm của dưa Lê vì thế được nối đời. Nhưng nay, do nạn phá rừng, cạo trọc rừng đầu nguồn, nước sông chảy xiết, nên các bãi bồi lắng đọng ít phù sa, đất bãi bồi ngày càng bị chai dần, xấu đi. Người trồng dưa bón phân hóa học, làm cho cây dưa bớt đọ cứng và dai, ra ngồng hoa không đúng kỳ vụ. Cây dưa mềm, thân yếu, lá to lên, xanh hơn, ngồng dưa cũng bị mềm theo. Vì vậy, cái giống dưa cải ngồng làng Lê bản địa ngày xưa nay hầu như không còn.  dưa cải ngồng làng Lê nay như bị lai tạo, mất dần vị thơm ngon, muối dưa dễ bị khú, nổi váng và ít có được cái màu tươi rói, vàng rộm mới nhìn đã thấy hấp dẫn, phát ham  như trước.
          Mới đây, ông Vũ Văn Lẫu, Phó Bí thư Huyện ủy Yên Định, vì tôi đã từng tâm sự trong chuyến thăm quê mới rồi là “món đặc sản quê choa mà tôi thích là dưa Lê”.  Ông đã gửi tặng tôi bài thơ do ông cảm tác khi về Yên Thái, thăm khu chuyên canh dưa cải ngồng làng Lê. Trong bài thơ có những câu thật là sâu nặng ân tình, hầu như ông Lẫu muốn nhắc tôi: “Anh đi hãy nhớ Quán Lào / Nhớ dưa Lê thấm đậm vào bữa ăn”. Và  bài thơ của ông cũng đầy niềm tự hào với nét thuần nông độc đáo ở vùng quê trù phú, thanh bình bên bờ Nam sông Mã

NỖI NHỚ DƯA LÊ
"Bao năm đằng đẵng xa quê
Phồn hoa cát bụi mãi mê xứ người
Nhưng lòng vẫn nhớ khôn nguôi
Vị dưa Lê mặn đầu môi thuở nào
Đã từng" Sơn vị hải hào.."
Dưa Lê vẫn cứ thấm vào trong ta
***
Nhớ mùa dưa cải quê nhà
Với liêu xiêu bóng mẹ già nơi xa
Chừng này ngồng cải đã hoa
Sáng đêm mẹ muối chắc đà thơm men
Trăng khuya, sương lạnh ngoài thềm
Hăng hăng mùi cải mùi đêm quyện về
Mùi sông mùi bãi ngoại đê
Hoà vào dưa muối tình quê mặn mà
Con còn mê mãi nơi xa
Mà lòng luôn nhớ quê nhà dưa Lê "
                                    Vũ Văn Lẫu

HOÀI NIỆM





Nhớ Tết độc lập năm xưa
Làng quê sáng bừng cờ đỏ
Náo nức hân hoan mát từng ngọn gió
Vui cùng độc lập tự do
Đất nước ghi công ơn đức Bác Hồ
***
Tuổi ấu thơ đọng lại trong tôi
Cái Tết mới
"Gọi tên là Độc Lập..."
Không pháo nổ
Không bánh trưng bánh tét
Mà làng tôi nhộn nhịp tưng bừng
Bến sông quê
Dân chài về với phố
Nhà thờ ngân nga
từng hồi chuông đổ
Chợ chiều mấy mế địu con theo
***
Trẻ nít chúng tôi xem người lớn mổ heo
Sân Hợp Tác, sớm chiều Văn nghệ
Hội trại Thiếu niên tưng bừng đến thế
"Tết Độc Lập" vui như nhau
Không kể giầu nghèo
Tất cả chung vui
Náo nức cùng nhau buổi đầu lập nước
Không phân biệt đạo đời
Miền ngược miền xuôi ..
Độc Lập chung cho tất cả mọi người
Ôi !
Dẫu quá lâu rồi
Tết ấy mãi trong tôi
***
Đã bao năm qua
Quốc Khánh, người quên, người nhớ mãi.
"Tết Độc Lập "- nay ai người nhắc lại ?
Cuộc sống thương trường
Dòng đời mê mãi
Lớp trẻ biết gì đâu ?
Người lớn chỉ thở dài...
9/2012


LÒNG TIN VÀ SỰ TÍN NHIỆM


















(Nắm đầu thiên hạ)

Người ta thường hay nói đến cụm từ Uy Quyền và Uy Tín.
Uy Tín, có thể hiểu đó là Uy từ Tín. Tín là sự tín nhiệm, mà cốt lõi của tín nhiệm là niềm tin. Tín chính là niềm tin vậy. Tín,Tin tạo thành Uy, tạo nên sức mạnh, có Tín nên có Uy và cái Uy đó sẽ tạo ra sự nể trọng. Nhưng, cái tín không phải bỗng dưng mà có. Đó là kết quả của đạo đức và nhân cách, là truyền thống nhân văn, tính tiền phong, gương mẫu và đức hy sinh "Thương người như thể thương thân, vì nhân dân, vì cộng đồng, sống đạo lý, có trước có sau, có nghĩa có tình..." được tôi luyện, học tập, hun đúc mà nên. Uy Tín của những người Cộng Sản chân chính, của Đảng ta có được trước đây chính là do vậy.
Bởi vậy, trong xã hội, có người là cán bộ về hưu, có người chỉ là phó thường dân, dù chẳng quyền chức gì, nhưng họ sống với dân, gần dân, lo nỗi lo cùng dân, thân ái, chia sẻ cùng cộng đồng, nên nói thì dân tin, làm thì dân ủng hộ, dân tín nhiệm. Cái Tín có từ đó. Có Tín thì có Uy, khi họ nói mọi người nghe, họ làm thì mọi người làm theo, dù người ấy chẳng có quyền chức gì để sai khiến. Nhất là khi họ nói phải và làm đúng. "Nói phải củ cải cũng nghe" là vậy.
Uy từ Quyền, cái Uy từ Quyền lực, thì khi hết chức, hết quyền, hay bị mất chức mất quyền... thì Uy chả là cái đinh gì nữa, nói chẳng ai thèm nghe, chỉ còn lại sự khinh bỉ của nhân dân. Nhất là khi mà cái quyền từ cái ghế do Bố, do Cậu, do Bác có chức quyền ban cho. Hay do lo lót tiền bạc, gỗ, đá quý... chạy chọt mà có, thì cái uy chỉ là bánh vẽ là con ngáo ộp. Đến cái tưởng linh thiêng hàng ngày thờ cúng, nhưng xây bằng tiền tham nhũng thì cũng chỉ là vô nghĩa
Kẻ quyền chức, vơ vét tiền dân, ăn bẩn, xà xẻo công quĩ, ăn chặn của lính, "ăn không từ thứ gì" như lời nguyên PCT nước Nguyễn Thị  Doan từng nói, thì dù lắm bạc nhiều tiền, có thể mua được ghế quyền chức, chứ đâu mua nổi chữ Tín. Khi còn chức quyền thì ra vẻ khệnh khạng, lên mặt đạo đức giả. Khi rời ghế về vườn thì chả còn chút Uy nào, chỉ còn sự khinh bỉ của nhân dân, kể cả trong lớp người từng là đồng chí.
Xưa tổ tiên dạy"Một sự bất tín, vạn sự bất tin...", Nay trong khi bất tín đã quá nhiều, nếu không nói là phổ biến thì nguy hại biết bao. Thử hỏi như vậy làm sao dân tin? Hơn nữa bây giờ nhân dân cần niềm tin cụ thể. Nói ít làm nhiều, làm hay, nói đi đôi với làm. Xin  đừng nói hay làm dở hoặc nói mà không làm, thì dân chẳng tin đâu. Đặc biệt trên lĩnh vực tiền bạc, lợi dụng niềm tin của dân, để huy động thiện nguyện, lại thiên thẹo, xà xẻo, lợi dụng để chiếm đoạt, làm dân mất tin. Mất tiền mất bạc còn dễ kiếm lại, nhưng mất niềm tin là mất tất cả. Tệ hại nhất là khi mất Tín, lại tìm cách ngụy biện, hoặc dùng Quyền Uy để "Cấm", lại càng mất Uy, chẳng có chút Tín nào...
Thế mới biết để có Uy Tín thật khó biết bao !
5/2016

80 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

 

(Viết cho ngày thành lập Đảng bộ)
Thành lập Đảng bộ hôm nay
Bồi hồi nhớ lại tháng ngày đã qua
Chặng đường của máu và hoa
Tám mươi năm, bản hùng ca tuyệt vời
***
Đất nước thuở hơn trăm năm trước
Dưới gót giày xâm lược ngoại bang

Bạo tàn đế quốc sài lang
Dân bị áp bức cơ hàn lầm than
Bao nhiêu người đi làm cách mạng
Vẫn mịt mùng đêm tối chưa tan
Nhà Rồng bến cảng miền Nam
Bác đi cứu nước, mở trang sử vàng

“Người ra đi tìm hình của nước...”(1)
Bôn ba khi đến được nước Nga
Luận cương Xô Viết- Cộng hoà
Soi đường Cách mạng nước ta rạng ngời
Như bình minh, xua tan đêm tối
Đảng ra đời hạnh phúc dân ta
Trời cao biển rộng bao la
Bát cơm, tấm áo hương hoa hồn Người...”(2)
Và từ ấy Đảng soi ánh sáng
Như hào quang lan tỏa muôn nơi 
Công - Nông liềm búa rạng ngời 
Chung tay cứu nước, cứu nòi Việt Nam
***
29/7 Tại làng Hàm Hạ (3)
Xứ Thanh là Chi bộ đầu tiên
Giặc thù khủng bố triền miên
Vẫn không ngăn nổi búa liềm, cờ sao
Năm 38, mùng 10, tháng 6
Ngọc Vực nơi Chi bộ Huyện Yên(4)
Tám người Cộng sản trung kiên
Là hạt giống đỏ, ươm lên anh hùng:
Mạch, Môn, Quý,  Ái, Hoạt, Tung
Giáp, Khuyên, trang lứa tuổi cùng đôi mươi (5)
Từ ngày Chi bộ ra đời
Như thuyền có lái ra khơi vững chèo
Hội dân nghèo cùng học quốc ngữ
Ái hữu chung tương tế giúp nhau (6)
Tổng duyệt lực lượng mai sau
Chống sưu, giảm thuế, yêu cầu tăng lương
Biểu tình phản đối Huyện Tương
Tẩy chay Cai Soạn, lý, hương một phường (7)
Tập quân sự, đánh phủ đường
May cờ, mua súng bốn phương luyện rèn
Tổng khởi nghĩa Uỷ Ban Kháng chiến(8)
Lãnh đạo dân giành lấy chính quyền
Tuyên ngôn độc lập được tuyên
Cờ sao rực rỡ đất Yên Định này

Bọn đế quốc diều hâu hiếu chiến
Mỹ- Pháp càng hung hãn cuồng điên
Chúng gây chiến cả hai miền
Hòng định bóp chết chính quyền nhân dân
Cùng toàn quốc trường kì kháng chiến
Yên Định bước vào cuộc trường chinh
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”(2)
***
Pháp bại, Mỹ dã man xâm lược
Định lâu dài chia cắt nước ta
Hai miền giới tuyến đặt ra
Giang sơn đôi ngã, một nhà đôi nơi
Cách mạng bước sang thời kì mới
Chống Mỹ và lao động dựng xây
Hậu phương, tiền tuyến chung tay
Địa linh nhân kiệt đất này vinh danh
Năm 61 Bác về Thanh Hoá
Yên Trường vui, vinh dự đón Người
Làm theo lời dạy của Người
Định Công điểm sáng ra đời từ đây
Và từ ấy trên đường đi tới
Phát triển mạnh kinh tế nơi nơi
Khai hoang, nông nghiệp, chăn nuôi
Văn hoá - Xã hội,  giao thông, trạm, trường 
Lâm Tâm, Quý Lộc, Thọ, Trường
Hoà, Bình, Long,Tiến, Liên, Tường, Hải, Tân..(9)
Sự nghiệp Cách mạng toàn dân
Sức mạnh hợp tác muôn lần biển khơi
Góp công, góp của, sức người
Quân, lương chi viện tiền phương kịp thời 
Đánh Mỹ cút- Ngụy nhào rồi
Khải hoàn toàn thắng, rạng ngời Việt Nam
Anh hùng lực lượng vũ trang
Nhà nước phong tặng vẻ vang đất này
***
30 năm trên đường đi tới
Yên Định đang đổi mới từng ngày
Nông dân, nông nghiệp từ nay
Huyện nông thôn mới chung tay vun trồng 
Lần thứ 2- Phong anh hùng
Thời kì đổi mới thỏa lòng ước mong
***
Công ơn ghi tạc trong lòng
Tám mươi năm dưới cờ hồng Đảng ta
Một chặng đường máu và hoa
Kết liên thành bản hùng ca dâng Người !
5/5/2018
Viết nhân kỉ niêm 80 năm thành lập Đảng bộ Yên Định (10/6/1938-10/6/2018)
(1)Thơ Chế Lan Viên
(2) Thơ Tố Hữu
(3) Làng Hàm Hạ xã Đông Tiến
(4) Làng Ngọc Vực xã Yên Thịnh
(5) Tên của 8 đảng viên cộng sản lập Chi bộ đầu tiên của huyện Yên Định
(6) Các tổ chức hợp pháp do Cách mạng lập ra trong thời kì Mặt trận Bình dân
(7) Tương, tên của Tri huyện Yên Định và Cái Soạn tên Chủ đồn điền Bát Soạn
(8) Chủ tịch UBKC Bùi Kính Thăng
(9) Những xã tiêu biểu giai đoạn này

CÁI LẠ ĐÀN BÀ

 


“Trăm năm trong cõi người ta”
Đàn bà bí ẩn vẫn là xưa nay !
Kể chuyện họ, có hết ngày
Mỗi nhà mỗi cảnh, ra đây trình làng :
***
Này là chuyện của một nàng
Đêm chồng đi họp, sẵn sàng đi theo
Cô kia đâu phải túng nghèo
Cho chồng mặc rách, ra điều xấu trai
Đầu bù, tóc rối, râu dài
Càng già càng tốt, khỏi ai ngó ngàng
Có bà khi chồng ra đàng
Bắt chồng ăn mặc vào hàng đại gia
Tóc vuốt keo, sài nước hoa
Phong thái đĩnh đạc mới là yên tâm
Yêu, thương, hờn, giận, đúng tầm
Xấu chàng hổ thiếp, muôn lần nâng niu
Có chị, chồng được thương yêu
Nhốt nhà, mồi, rượu, liêu siêu sớm chiều...
***
Chuyện đàn, bà trăm vạn điều
Chuyện họ, kể biết bao nhiêu mới là
Có chuyện này chưa nói ra :
Thích nịnh, thích được tặng hoa, tặng quà...
    Viết cho
Hậu mùng 8/3

CỔNG LÀNG TỐ PHÁC




















Làng quê Việt xưa là cụm dân cư được thành lập trên cơ sở một bộ tộc, một dòng họ, có khi bắt đầu từ một gia đình. Thành Hoàng làng gắn liền với tên tuổi người lập ấp dựng làng. Bởi vậy những người lạ muốn nhập làng gọi là ngụ cư, phải mượn họ hoặc nhận làm con nuôi của người trong làng. 
Sau cách mạng tháng 8/1945, việc định cư do Chính quyền cấp có thẩm quyền quyết định, nên dòng họ trong làng đa dạng hơn, phong phú hơn.
Trong tâm thức người Việt, mỗi khi nhắc đến quê hương, không ai lại không nhớ đến hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình. Đồng thời cũng hiện lên hình ảnh cổng làng thân yêu, với tình cảm thiêng liêng cùng bao kỉ niệm. Làng bao giờ cũng có đường chính vào làng và có c
ổng. 
Cổng có cổng trước, cổng sau. Cổng trước thường về hướng Đông Nam, hướng gió lành, hướng của bình minh lên, là nơi đón người đi xa hồi hương, đón người đỗ đạt về vinh qui bái tổ. Và quan trọng nhất là đón dâu mới, nhập làng để cho làng ngày một sinh sôi phát triển. Vì vậy Cổng làng chính là nơi đón nhận những gì tốt đẹp nhất - Đón sự sống, đón phúc lộc, giàu sang vào làng cho làng thêm trù phú. 
Lối đi sau nhỏ hơn, gọi là Cổng Hậu, có nơi không làm cổng, mà chỉ là lối ra đồng, hàm ý tiễn đưa, như đưa ma, đuổi kẻ tà tâm, trộm cắp và người tư cách không đàng hoàng.
Ngày nay, cùng với sự đô thị hoá, Cổng làng có nơi không phân biệt chính, phụ nữa mà theo sự thuận tiện của việc đi lại là chính. Ấy mà có nơi, lãnh đạo không hiểu, hứng lên, đã không làm cổng hậu cho làng, mà làm cổng chào vào cả ngõ chia nát cục bộ, vị trí thì tùy tiện, có vào mà chẳng có ra.
 Đường từ cổng trước đến cổng sau là đường chính của làng, là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại. Bởi vậy Cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của dân làng. Cho nên vị trí cổng làng bao giờ cũng được xem xét kĩ càng về phong thủy, được đặt ở vị trí trang trọng nhất, rộng mở, không bị lấn chiếm, không bị kẻ xấu, tà tâm, thu hẹp cổng, làm hạn chế sự phát triển của làng.
Theo quan niệm xưa, phía sau cổng làng là anh em bà con dòng họ chung sống. Mỗi cái cổng làng đều có một nét văn hoá riêng, cái hay cái đẹp, cái tiêu biểu được viết thành câu đối khắc trước cổng, thể hiện một phần của văn hóa làng.
Cổng là ranh giới và cũng biểu hiện quyền uy của làng:" Đất có thổ công. Sông có thủy thần". Nên ngày xưa, có làng còn dựng cả bia khắc chữ "Hạ Mã" ở bên cổng, nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những người quyền quý cũng phải xuống ngựa để tỏ ý tôn trọng lệ làng. Nên Cổng làng cũng ví như cửa của ngôi nhà chung. Ngoài cổng làng là kẻ lạ, người dưng, kể cả kẻ ăn mày chờ chực. Sau cổng hậu, là ruộng đồng, là bãi tha ma, đất chôn người chết. Cho nên dù là người làng, nhưng không may chết ở nơi khác, cũng không được đem vào trong làng như quan niệm”rước ma về”, đem tai họa cho làng. 
 Xưa, lí trưởng có trách nhiệm cắt cử người trông coi, tu bổ, gìn giữ bảo vệ cổng. Quy định đóng mở cổng, không để kẻ xấu vào làng. Ngày nay tuy không còn phải đóng, mở cổng, nhưng nhiệm vụ xây dựng, quản lí bảo vệ, gìn giữ cổng làng là trách nhiệm của toàn dân làng mà trưởng làng, là người chịu trách nhiệm trước tiên.

***
Cổng làng Tố Phác, Xã Định Hoà Huyện Yên Định cũng nằm trong hệ thống Cổng làng Việt chung đó.
Ông Tổ họ Vũ làng Tố Phác là ông Vũ Đình Tương, quan Giám Chi lăng, một công thần nhà Lê. Khi về trông coi điện Thừa Hoa, nơi 
thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông(Phủ Nhì Đồng Phang), ông mở đất, lập ra làng Tố Phác ngày nay.
Làng Tố Phác xưa chủ yếu là họ Vũ. Ông Vũ Đình Tương là ông Tổ họ Vũ nhưng cũng là Thành Hoàng làng. Sau cách mạng tháng Tám, làng đa họ và đông hộ đông dân hơn, nhưng đoàn kết nhân ái, cùng chung một Thành Hoàng
Trước đây làng có đình, có giếng, có cổng làng... Trong cải cách ruộng đất và trong phong trào Hợp tác hóa đã bị phá bỏ hết để xây dựng “nền văn hoá mới XHCN”!
Những năm đầu của thế kỉ XXI, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về xây dựng thôn, làng, khu dân cư văn hóa, trong đó có tiêu chí là phải có nhà Văn hóa 
và cổng làng. Làng đã xây nhà Văn hoá trên nền đất cũ, hướng cũ. Để giảm gánh nặng đóng góp của dân làng. Cổng làng đã được gia đình ông Vũ Văn Lẫu tài trợ 100% kinh phí. Ban công tác Mặt trận thôn chọn vị trí, tổ chức thi công và đã khánh thành, bàn giao cho làng vào tháng 5/2010 và đó là tài sản chung của cả làng
Mong rằng làng và những người có trách nhiệm làm tốt công tác quản lí, giữ gìn. Chăm lo tu bổ để cổng làng bền đẹp, đừng để bị lấn chiếm. ( Hiện có nhà gần cổng làng đã gắn bản lề cánh cổng vườn nhà mình vào cổng làng, làm lở tưởng và mất mỹ quan, rất phẳn cảm). Mong người có trách nhiệm phải chăm lo, giữ được phong thủy, để cổng làng trường tồn, mãi là niềm tự hào chung của làng Tố Phác. 
Tháng 10/2016