Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

TỔ CHỨC THI CÔNG ĐỀN THỜ Họ






Được mời về dự lễ động thổ, làm mới nhà thờ ông Vũ Đình Tương, ông Tổ họ Vũ, nhưng cũng là Thành Hoàng của làng Tố Phác. Thật là vui và mừng lắm.

Vui vì con cháu hậu duệ của ông Tổ đã trưởng thành, có tâm huyết. Người có trách nhiệm biết chăm lo từ mộ phần, xây nơi thờ tự Cụ Tổ, đến lo cho cuộc sống thực tế của dân làng, dòng họ.

Người ở nơi xa thì quan tâm. Có điều kiện thì góp ý, góp kinh nghiệm. Kể cả đóng góp kình phí, góp phần vào xây dựng công trình tâm linh, đạo hiếu của làng. Vui nữa là mong ước của cả làng, trong đó con cháu họ Vũ đã được thực hiện. Từ nay con cháu họ Vũ sẽ có nơi khang trang để hương khói, tri ân tổ tiên. Dân làng có nơi khang trang, thắp nén tâm nhang, tri ân Thành Hoàng làng- Người khai thiên lập địa, cho lòng mỗi người thanh thản, vì mình đã sống biết ân nghĩa, có đạo hiếu. Để rồi cùng đoàn kết, chung tay làm giàu cho quê hương, xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa mới, làm gương sáng cho con cháu noi theo.

Làng nhỏ, hơn trăm hộ, chỉ mấy trăm khẩu, chưa giàu có, lại vừa trải qua dịch Cô vít, nhiều hộ kinh tế còn khó khăn. Nhưng việc hiếu đễ, dân làng đã quyết định thì là quyết tâm lắm.

Bên cạnh niềm vui, nỗi mừng đó, tôi cứ băn khoăn khi việc hệ trọng mà làng vắng nhiều và để lại nhiều dư luận.

 -Một số dân làng không đồng tình với cách tổ chức thực hiện. Cho rằng có sự phân biệt, vì chỉ thông báo riêng cho họ Vũ mà không thông báo cho Làng, mặc dù Làng chung một Thành Hoàng. 

“Chúng tôi vẫn biết: với Họ có những việc thuộc riêng nội bộ của Họ và phải là người đủ thẩm quyền triệu tập họp Họ và Họ quyết định. Nhưng cũng có việc của Họ, cũng chính là việc của Làng, thì phối hợp cùng trưởng Làng để cả làng giải quyết. Trong khi một cụm dân cư, một Thôn có thể có một hay 2-3 Làng, trong làng có thể có nhiều Họ sinh sống. Nhưng mỗi vùng đất to, nhỏ đều có thổ địa riêng cai quản. “Đất có thổ công. Sông có hà bá”. Nhất là đất đó do khai phá của một người cụ thể, đã được phong Thành Hoàng.

Bởi vậy, việc làm nơi thờ cúng, tri ân sẽ là trách nhiệm chung của Làng, của mỗi hộ dân cư ngụ trên đất đó. Chứ không phải là riêng của một dòng họ nữa và càng không phải là việc của người không phải vai trách nhiệm, mặc dù họ có tiền hoặc có quyền. Mà có tiền, quyền họ cũng có cho không Làng, cho không Họ đâu? Của dân, của Họ đóng góp cả. Được tiếng được miếng cả…”

Tôi hỏi: 

- Nghe nhà thầu cho nợ tiền 2 hay 3 vụ phải không? 

-Khi dân trí thấp. Nghèo được cho nợ là khoái rồi. Mà tiền chịu, không phải là tiền và không phải trả ư? Phải làm cấp bách đến thế ư? Sau dịch Cô vít. Bao người muốn xin được làm? Sao không đấu thầu, rẻ được đồng nào, đỡ cho dân đồng ấy…”. 

Người ủng hộ thì nói “Dân làng tán thành làm, chỉ băn khoăn về việc không được dự bàn, cách thức tổ chức thực hiện không bàn kỹ. Ba người đã là Gia Cát Lượng, tránh được sai xót. Nhất là việc liên quan đến sự yên ổn đến phát triển hay suy vong sau này của cả Làng cả họ. Vì “ăn có mời. Làm có mượn”. Việc Họ, việc Làng, dù muốn tham gia bàn, dù là có quyền lợi, cũng phải được người có thẩm quyền đồng ý. 

Ôi ! Đấy chỉ là dư luận. Nhưng dư luận thế gian như làn sóng biển, kẻ nào coi thường sẽ bị sóng cuốn trôi. 

Thiển nghĩ: Dòng họ chỉ là phạm vi hẹp. Làng, xã, đất nước mới là rộng lớn. Bách tính, trăm họ, sống cùng chung mảnh đất hình chữ S, lại chung một mẹ Âu Cơ, một cha Lạc Long quân… mới tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt. Sáu mươi ba dân tộc, trăm họ một nhà, không phân biệt đối xử thì mới tạo nên sức mạnh Việt Nam. 

Người lãnh đạo, dù to nhỏ phải biết được điều đó.

***

Gặp gỡ anh em, con cháu trong họ, cũng như một số người trong làng. Hỏi chuyện một vài Đảng viên cao tuổi Đảng, một số cán bộ CCB; một vài người hiện đang công tác ở thôn, xã. Một cụ tôi gọi là anh, tuổi nay ngoài 80 khi được hỏi, nôm na anh nói:

-Cuộc họp hôm đó thằng T và thằng K chủ trì. Không phải là người Trưởng chi nào cả. Cũng không phải là họp làng…

Người ủng hộ thì rõ quan điểm:

-Với con cháu họ Vũ, xây nhà thờ Tổ, vừa là trách nhiệm, là đạo lý, vừa là mong ước. Ai đứng ra làm cũng được, nhưng phải công khai dân chủ, thống nhất cách làm 

-Đối với dân làng, dù khác họ, nhưng có người đã mang họ Vũ từ lâu. Cũng có người là mối quan hệ thắm thiết, như sui gia, láng giềng và cùng chung sự quản lý của một chính quyền, sự lãnh đạo của một Cấp ủy. Nhưng cơ bản, họ đang an cư, lập nghiệp trong cùng mảnh đất văn hóa Tố Phác, cùng chịu hàm ơn một Thành Hoàng. Nơi đây chính là Làng của họ, họ đang đoàn kết, bình đẳng không phân biệt, để cùng nhau xây dựng làng văn hóa Tố Phác, Thôn Tố Lai, trong xã nông thôn mới nâng cao. 

Đây cũng là trách nhiệm, là văn hóa, là cái “tâm tri ân, uống nước nhớ nguồn”, trong đạo hiếu nhân văn của người Việt Nam. Chứ không để mang tiếng là kẻ ăn nhờ ở đậu, vô ơn. Cùng chăm lo xây dựng nhà thờ, hội nhập với cộng đồng, chúng tôi thấy lòng mình thanh thản và đó cũng chính là nền tảng xây dựng sự đoàn kết thống nhất, một trong tiêu chí cơ bản của một làng văn hóa. Do đó họp Làng để cùng bàn cùng làm là đúng nhất.

Mặt khác, khi dân cả làng cùng chăm lo, thì sức mạnh tăng lên. Đối tượng tham gia tăng, không phải phân biệt. Cả làng. “Xúm xít như dết nhiều chân”, nhiều người chia sẻ, thì gánh nặng đóng góp giảm đi. Cũng như là nhiều cây chụm lại nên rừng vậy”!

Suy nghĩ đó, theo tôi là rất đúng

Tôi hỏi một chú là Đảng viên cao tuổi Đảng trong họ 

- Ta làm có báo cáo tổ chức không chú?

- Việc của Họ là do trong Họ họp bàn quyết định. Liên quan tới Làng thì phối hợp cùng trưởng Làng để thống nhất. Chi Bộ không ra Nghị quyết sai thẩm quyền, không Nghị quyết làm nhà thờ cho Họ Vũ…Nhưng yêu cầu dòng Họ, con cháu họ Vũ phải gương mẫu, làm nòng cốt cho dân làng. Mọi vướng mắc, trong Họ tự giải quyết. Nhất là trong tự nguyện đóng góp. Tránh áp đặt, bàn chưa kỹ mà đã quyết định, gây thắc mắc mất đoàn kết. Họ hay Làng cũng là dân. Dân chưa thông, việc thu đóng góp sau này sẽ khó khăn. 

Là công trình tâm linh của cả làng cả họ, nên phải hết sức cẩn thận. Công khai quy mô, hình thức. Thiết kế kiểu dáng, hướng nhà, thế đất. Tổng dự toán công trình. Cách thức huy động vốn. Chọn đơn vì thi công bằng hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu, để có chi phí thấp nhất, giảm sự đóng góp của dân?

Đây là suy nghĩ tích cực, đúng nguyên tắc, đúng cơ chế lãnh đạo, chặt chẽ cụ thể. Đó cũng chính là những yêu cầu mà những người có trách nhiệm phải được triển khai đến người dân. Làm được vậy, sẽ đảm bảo đoàn kết thống nhất, tránh được dị nghị.

Qua những dư luận trên, và qua việc làm thực tế, thiết nghĩ cả về phía Họ và Làng cần phải rút kinh nghiệm. Nhất là về tôn ty kỷ cương trong dòng Họ, kết hợp với việc Làng xã và trong tổ chức thực hiện.

Đã là việc Họ phải là người trong họ được phân công, hoặc do Trưởng Họ điều hành. Đã là Trưởng họ, có hèn mọn vẫn là anh, là trưởng, không thể lấy em, lấy cháu, hay người khác có năng lực hơn để thay thế, mà chưa được ủy quyền.

Thứ hai, dù là người trong chi trưởng, nhưng chỉ là hàng cháu chắt, khi các Cụ các ông bề trên thuộc hàng ông, cha đang còn sống, thì cũng không được tiếm quyền, để tùy tiện quyết định, vượt quyền các Cụ. Ngày nay các nơi đã thành lập Hội đồng họ tộc để điều hành. Bài học xưa, vua phế con trưởng, lập con thứ là tai họa, đã minh chứng. 

Với các Cụ, dù tuổi cao sức yếu, nhưng trách nhiệm vẫn phải chủ trì triệu tập họp để bàn và kết luận. Nhưng đến việc làm, sẽ ủy nhiệm, giao cho con cháu làm. Không được viện lý do để lẫn tránh trách nhiệm. Đất nước xưa có Vua đã trưởng thành, vẫn có hội nghị Diên Hồng là vậy. 

Ngược lại, có người dù là bậc cha chú, việc chưa bàn kỷ, cũng không chống lưng cho con cháu làm sai kỷ cương dòng họ. 

Cuộc họp họ, do trưởng họ điều hành. Còn cuộc họp của Làng phải do Trưởng làng điều hành. Cuộc họp của Làng, không thể thay thế cuộc họp Họ và ngược lại. Khi cần thì đồng chủ trì. Còn không, đây chỉ là việc của hai cá nhân, thỏa thuận làm với nhau. Đúng sai, tiết kiệm hay lãng phí… cả Làng hay cả Họ, không chịu trách nhiệm, kể cả trong việc làm và cả trong đóng góp.

Nay việc đã vậy, thiết nghĩ cũng do sự kém hiểu biết. Nhưng cái tâm là trách nhiệm với tổ tiên, và việc xây dựng nhà thờ cũng được đa số ủng hộ. Có gì chưa chu đáo cần rút kinh nghiệm. Nhưng cơ bản là phải cầu thị và khiêm tốn lắng nghe, khắc phục, không biện luận, lấp liếm.

Trước mắt, cần làm thông tư tưởng với dân làng, dòng họ, để mọi người ủng hộ. Tập trung thi công, cho công trình sớm được thành công. 

Khi làm thì dân phấn khởi. Ngày khánh thành, cả làng hân hoan, càng thêm đoàn kết, gắn bó.

***

Công trình nhà thờ Tổ, Thành Hoàng làng Tố Phác là việc tâm linh, là việc làm đạo lý của con cháu và dân làng.

Mong rằng mọi việc hanh thông, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Nhưng không làm ẩu, vội vàng.

Dân làng đã đoàn kết trong việc làm. Xây xong công trình, dân làng, dòng họ càng đoàn kết, yêu thương gắn bó nhau hơn. Để Tố Phác mãi trường tồn, giàu đẹp và văn minh!

24/5/2023


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét