Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

CHỢ BẢN XỨ THANH

 



Chợ Bản Yên Định xưa, thuộc làng Bản Đanh, xã Định Tăng. Đây là chợ nông thôn của huyện Yên Định đã có từ lâu đời, nổi tiếng khắp Xứ Thanh, lan ra tận các tỉnh phía Bắc và bắc Trung bộ.
Chợ chuyên trao đổi, bán mua hàng hóa nông sản như trâu bò, lợn gà, cũng như công cụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng và đặc sản ẩm thực của các làng quê trong Huyện.
Chợ Bản ngày xưa phong phú và sầm uất lắm. 
Tuổi thơ mà được theo mẹ đi chợ Bản, nhất là phiên cuối năm, phiên 25 hoặc 30 Tết thì còn tuyệt vời hơn cả về miền cổ tích.
Này đây, khu vực buôn bán trâu bò, lợn gà bao giờ cũng trên nền đất cỏ, đủ trâu béo, trâu gày, bò to, bò béo, nghé đẹp, bê ngon. Những lợn lớn lợn bé, Móng cái, lợn lai. Thương lái xa gần, miệng bỏm bẻm nhai trầu, tiếng trả giá râm ran, tiếng vỗ tay đen đét. Những ông “cò bò”, chuyên bán nước bọt, hay kẻ buôn đầu chợ, bán cuối chợ, lượn lờ như cá cảnh, dẻo mỏ, thánh thót khen, chê, xen lẫn tiếng bê kêu, lợn éc trong mùi gia súc khai nồng.
Này đây, khu ẩm thực phong phú. Những mẹt bánh đúc bầy gọn gàng sạch sẽ, bên những lọ thủy tinh dậy mùi mắm tôm. Những chiếc bánh nếp thường gọi là bánh xèo vàng rộm, trong chảo rán sôi ngậy mỡ. Những xấp bánh đa dày cộp, đầy vừng từ Vạn Hà lên. Những buộc đậu phụ từ vùng Định Tân vào, chắc như hòn gạch. Mịn, vàng màu nghệ tươi, vẫn còn đang nóng...
Hàng bánh, kẹo những cột bánh cao lâu, bịch kẹo kéo xanh, đỏ, tím vàng, dẹt, tròn, ngắn, dài đủ cả. Dãy hàng rượu, men bốc thơm lừng với những khuôn mặt đỏ gay, chân bước liêu xiêu, cặp môi đã chép chép, mà hàng nào cũng muốn xà vào nếm thử.
Đông, tấp nập vẫn là dãy bán đồ cũ, từ quần áo, giày dép, chăn màn. Từ đồng hồ cổ, kim, đồ điện tử, dao, kéo, đe búa, đến bạc, vàng, cái xe đạp quí giá... Thôi thì, thượng vàng, hạ cám, hàng nội, ngoại, Tây, Tàu, đồ dân sự, quân sự, dài ngắn, sịn, dổm, xuân hạ thu đông, mới, cũ đủ cả, vì lý do nào đó đem đi chợ, cho đi ở. 
Xa chút, về góc chợ phía đông, những bể rèn phì phò thổi lửa. Tiếng đe, búa râm ran. Những bác thợ rèn, lưng áo ướt đẫm, tay bóng nhẫy mồ hôi, quai búa. Những chị, những mẹ áo nâu chân đất, tay mân mê những con dao, cây kéo chiếc liềm và cả những chiếc lưỡi cày thời chìa vôi hay 51cải tiến. Tiếng rít thuốc lào, tiếng mời chào ồn ào râm ran cả một vùng. 
Khu đồ gốm càng phong phú với những năng, niêu, nồi đất, chum, vại phong phú, to nhỏ đủ loại. 
Nhớ xưa, khi theo mẹ đi chợ, mẹ thường dọa: “ Đi phải chú ý, dẫm vào nồi đất, vỡ là bị bắt đền, cho đi ở, không được về”, để khiếp, hãi cho mãi đến giờ. 
Khu mũ, nón, với những bóng hồng thướt tha, lặng lẽ chọn lựa, ướm chiếc quai thao hồng, đỏ, ngắn, dài trong chiếc nón được quét dầu sơn bóng, lấp lánh.
Dân gian thường nói: "Đến chợ Bản, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có"là vậy. Nhưng lạ kì nhất, một giờ trong giờ ngọ, chợ tuyệt nhiên không bóng một chú ruồi.?
Chợ Bản vùng quê Xứ Thanh này, trong hai cuộc kháng chiến đánh Tây, đánh Mỹ, phải di chuyển đến nhiều nơi, như vào Duyên Hy, Định Hưng, lại ra Thành Phú, Định Tường... nhưng dù ở đâu, chợ đều giữ tên Chợ Bản. Hễ có tên Chợ Bản là dân tự tìm đến. Ngay khi máy bay giặc Mỹ bắn phá, chợ vẫn họp nơi kín đáo. Chợ làm yên lòng người, chợ cho cuộc sống vượt lên cả chết chóc, bom đạn. Chợ đã thật sự đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta
Hòa bình, thống nhất đất nước, khi huyện lỵ Yên Định chuyển về Quán Lào, thì chợ không được về làng Bản Đanh cũ nữa, mà được người ta cho chuyển đến xã Định Long ven Quốc lộ 45. Chi tiền, dành đất, lập"Chợ Đầu Mối", trong khi phía đông, cách quãng không xa đã có chợ Thị Trấn, phía Bắc, cũng cách vài trăm mét đã có chợ thuộc xã Định Liên, trong bối cảnh đất nước đang đổi mới toàn diện. Hệ thống chợ đang có những đổi thay căn bản. Xã, thị trấn nào cũng có chợ, tạo điều kiện cho giao thông hàng hoá, phục vụ đời sống nhân dân.
Chợ đầu mối thuộc xã Định Long, nhưng"không đầu, không mối". Khi nền kinh tế thị trường phát triển, hệ thống chợ búa thay đổi. Trâu bò lợn gà, thóc gạo và nông sản được đầu nậu và thương lái ký hợp đồng, bán mua tận gốc. 
Trong khi chợ mới chiếm mất nhiều diện tích đất nông nghiệp và kinh phí. Xây gian bán hàng 2 tầng, xây ki ôt, bao tường, láng sân. Nói như dân nói "quy ra lúa, sơ sơ năm 2 vụ cũng đã là bao nhiêu tấn rồi".
 Chợ không còn là chợ Bản bán lợn gà trâu bò trên bãi cỏ xưa nữa, mà là trên nền bê tông. Trâu bò dậm móng cũng khổ, nước đái, phân trâu bò, lợn gà không đất thấm, dưới nắng hè, khai thối thật không chịu nổi. Quanh chợ lại bao móng nhà trước khi bán đất... Giá cả, đắt rẻ, dân tình kiện cáo mãi... Chợ lập xong, thời gian đầu, chỉ lèo tèo người họp, rồi thôi hẵn. Do đó phải quãng cáo, gắn thêm hai chữ"CHỢ BẢN ĐỊNH LONG" nhưng vẫn chẳng có người vào. 
Dư luận cho rằng lập chợ ở vị trí đó không phù hợp, mà nên đầu tư cho chợ Thị Trấn và chợ Định Liên. Bởi trong quy hoạch lâu dài, vùng này sẽ là khu công nghiệp. Thôi thì dư luận ấy mà. Kệ ! Ai chấp với dư luận!!!
Nay khi vùng đất Yên Định, những Định Liên, Định Long, Định Tường, Định Bình, Yên Phong, Yên Trường, Yên Bái... cùng các xã trong huyện đã đạt chuẩn Nông thôn mới và đang trên đường công nghiệp hoá, đô thị hoá. Cùng với sự ra đời, phát triển của các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp như may mặc, giày da, nhà máy sợi chuối, cả trong nước và cả liên doanh nước ngoài, với trên 5-6 vạn công nhân. 
Yêu cầu dịch vụ, sự phát triển của dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại ngày càng cao. Do đó đã tự phát hình thành các tụ điểm mua bán dọc Quốc lộ 45, trước cổng các Công Ty, các nhà máy. Tình trạng tranh mua, tranh bán, gây nên sự lộn xộn, mất trật tự xãy ra. Mặc dù“Chợ Bản Định Long”cận kề ngay đó nhưng vẫn không ai vào.
Sự tự phát tụ tập họp chợ gây lộn xộn, mất trật tự trị an, ảnh hưởng giao thông đã là nỗi lo của Chính quyền các cấp, của lãnh đạo các Công ty, nhà máy và của nhân dân. Nhưng hại thay, vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ. Thực trạng hiện nay, ảnh hưởng của nó, nguyên nhân để xãy ra. Trách nhiệm của ai, biện pháp nào tháo gỡ... Chắc lãnh đạo các cấp và nhân dân đã rõ và có biện pháp để giải quyết. Bởi lẽ không thể để tình trạng đó tồn tại và để lãng phí khu đất chợ này ?
Với góc độ “Chợ Búa” thiển nghĩ nếu còn muốn giữ chợ, phải chăng chúng ta phải chủ động tu sửa, chỉnh trang lại Chợ Bản Định Long, sắp xếp lại vị trí các khu, các quầy trước đây đã có. Cắm biển đề tên vị trí. Ví dụ như khu nông sản, khu tạp hoá, khu công cụ sản xuất, bách hóa, hải sản, ẩm thực, kể cả nơi bảo vệ trông giữ xe.... Thông báo cho các hộ đang thuê sử dụng địa điểm khu chợ với giá rẻ mạt, kết thúc hợp đồng, trả lại mặt bằng cho chợ. Đi đôi với việc đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương khuyến khích người vào họp trong chợ. Như tạm không thu thuế chỗ ngồi, không thu lệ phí vào chợ, miễn phí giữ xe, có thể trong từ 6 tháng đến 1 năm. Đồng thời lực lượng chức năng phối hợp cùng Công ty, nhà máy, vận động nhắc nhở, yêu cầu mọi người họp chợ đúng nơi quy định. Công khai vị trí ngồi bán ở chợ lâu dài và cả mức lệ phí sau này.
Chỉ có làm được như thế, dân tình mới yên tâm vào mua bán trong chợ, không lộn xộn tự họp chợ ngoài cổng của các Công ty nhà máy. Còn nếu không thì thanh lý, chuyển mục đích sử dụng cho có hiệu quả.
Riêng ở Định Tăng, nơi chợ Bản Đanh xưa, họ xin phép và đã lập chợ mới, gần chính nơi chợ Bản xưa. Nhân dân các xã Thiệu Thành, Thiệu Vũ, Thiệu Ngọc... Thiệu hóa và dân Yên Định ven Cầu Chày về họp chợ ngày càng đông vui...đó cũng là điều đáng mừng, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa đa dạng trong vùng
Trộm nghĩ: Chợ búa giống như làm chuồng chim bồ câu, như nuôi ong mật ấy. To đẹp, theo chủ quan của con người chưa chắc ong hay chim đã ở, chợ họp đã họp đông.... . Từ  xây cái chuồng chim, làm tổ ong mật, phải từ cái Tâm sáng của người làm thì cũng mới thành. Thế mới biết sống đời khó thật..!

Tháng Chạp 2014

Ghi chú Từ 2020 đến nay, lãnh đạo mới của huyện từ đổi mới phương thức lãnh đạo và tăng cường quản lý nhà nước, đã thật sự làm chuyển biến và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế trong Huyện, trong đó hệ thống chợ cũng được đổi mới . Hy vọng lắm thay.

Vũ văn Lâu 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét