Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

MŨI NÉ

 


Sao lại có tên là Mũi Né?

Đã né rồi sao vẫn cứ gặp đây

Mũi Né say, Mũi Né mê

Đồi cát mênh mông

Biển xanh trong

Sóng nhẹ vô về

Con tim như u mê

***

Hòn Rơm bình minh lên

Tôi một mình trước biển

Biển mênh mông

Sóng chao và gió lộng

Biển mặn mòi vun đầy bờ cát

Hòn Rơm như hát

Sao tôi về

Mũi Né chẳng rời tay


Hòn Rơm, 28/3/2012

BÃI LẾT KHÁNH HOÀ











Ai đến Ninh Hoà

Xuôi về Vạn Giã

Ai ngược Ninh Đa

Vòng qua Hòn Khói

Ghé lại Ninh Vân

Xin hãy một lần vào thăm Ninh Hải(1)

Nơi Bãi Lết hiền hoà(2). 

Đẹp nguyên sơ một dải biễn dài

Như níu áo, đến nơi đây xin mời ở lại

Bãi Lết, trời nước trong xanh. 

Những đảo vây quanh

Sóng biển dịu hiền .

Lồng ngực căng, không khí mát lành

Trời mây như nối liền với biển

Tấp nập tàu thuyên

Đầy khoang tôm cả

Phía xa xa

Núi Phật Bà nằm dài với biển.

Dưới bóng dương xanh

Khu nghỉ dưỡng yên bình.

Dân tình quí mên

***

Bãi Lết này chỉ một lần đến

Mê cả đời, nhớ mãi không quên !

V V L

(1) Những địa danh thuộc huyện Ninh Hòa 

(2) Khu du lịch. Bãi tắm. Khu nghỉ dưỡng

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

VIẾNG BẠN


















Ta về viếng bạn hôm nay.

Cổng xưa yên ắng, sân cây lặng tờ

Rượu, thơ... chẳng có ai chờ

Di hình còn đó, hương mờ khói bay

Đủ đầy, tất cả còn đây

Nỗi niềm vắng bạn, lệ cay ướt tròng...

Bùi Văn Bồng! Bùi Văn Bồng

Tài danh, phận bạc, đắng lòng người ơi!

8/4/2018

Kính viếng Đại tá, nhà báo, nhà thơ Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện BQĐND Tây Nam Bộ mất đột ngột ngày 4/4/2018


Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

HÃY ĐI VIỆN MỘT LẦN

 










Một ngày cả chỗ nghỉ ngơi

Ăn uống, thuốc bệnh... đã rơi nhiều rồi...

Lại còn bao thứ trên đời

Vất vơ, chui lủi, đứng ngồi không yên

Lúc đi căng một ví tiền

Ba tuần ngăn ví dính liền với nhau.

Bệnh chữa chưa đâu vào đâu

Tiền mang đã hết, nợ sau đã nhiều...

Thương con, thương cháu bao nhiêu

Càng thương những cảnh túng nghèo, lấm

Ai ơi! Muốn hiểu nhân dân

Hãy xin đi viện một lần rõ ngay

20/3 VVL

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

BÊN NHAU PHƯỢNG HỒNG








Lặng im suốt những ngày hè

Hôm nay rộn rã đã nghe trống hồi

Đã qua 3 tháng hè rồi

Giờ nghe trống điểm mà người bâng khuâng 

Lá  xanh, thay cánh phượng hồng

Một màu hy vọng chờ mong năm này

Lại cùng bên bạn bên thầy

Lại cùng đèn sách ngày ngày siêng năng

Một năm học mới chuyên cần

Dạy tốt, học tốt quyết tâm từ đầu

Để rồi cùng với hè sau

Chung vui ta  lại bên nhau Phượng Hồng 

VL

THÁNG 5 MƠ ƯƠC

 















Đêm tháng 5

Vừa nằm đã sáng

Mẹ dậy cùng với cả làng

Ăn vội

Choàng khăn kín mặt

Ra đồng gà gáy râm ran

***

Tháng 5

Mùa vàng nắng trải.

Cái đêm thì ngắn

Ngày dài.

Nhà nông đang mùa gặt hái

Cái mệt như mệt gấp hai

Trưa về

Bước chân uể oải

Đòn gánh lằn sâu trên vai

Mô hôi mẹ đâm áo vải

Bóng dài theo nắng xiên khoai...

***

Con ngồi quạt mát.

Ôn bài...

Tháng sau đã thi rồi đây

Nhìn con mẹ như trẻ lại

Ngập tràn hy vọng ngày mai...

Tháng 5/2013

THÁNG 5

 





Tháng 5 mặt trời dậy sớm

Đẩy màn đêm về phía thôn

Ngôi sao ngập ngừng lẩn trốn

Mang theo tiếng gà gáy dồn


Tháng 5 chiêm xuân bận rộn

Trên đồng lúa đã vàng bông

Vạt cà, muộn màng hoa tím

Ven sông, cải giống đã ngồng

Hồ quang ai làm sao động

Hừng lên, ánh chớp phía đông

Những cơn mưa rào đầu hạ

Để trời xanh lại thêm trong


Tháng 5 tràn dâng sức sống

Với bao khát vọng đợi trông

Tháng 5 liệu còn cháy bỏng

Như xưa một trái tim hồng !

4/5 VL

NỊNH- BỆNH CŨ VẪN LẠ











Nịnh”- Từ để chỉ hành vi giả dối, hèn mọn của những kẻ thiếu nhân cách, nhằm đạt tham vọng mà trí tuệ bị thiểu não, nghe chừng đã xưa như trái đất. Thế nhưng, nó được biến thể để tồn tại, như một chủng loại Cô vít thời 4.0, mặc cho người đời lên án, khinh miệt và nguyền rủa. 

Nịnh nói chung, biểu hiện nhiều loại. Nhưng lại chỉ sinh ra một kiểu người: khúm núm trước quyền uy, hống hách với kẻ dưới. Tham lam, bất nhân và vô ơn 

-“Loại nịnh phổ thông”, trước người có quyền chức thì nhũn như chi chi, với người dưới thì hống hách. Đặc trưng: Đi nhẹ, nói khẽ. Mắt lấm lét. Mồm luôn dạ, vâng. Tư duy, chủ yếu phán đoán, sao cho đúng ý bề trên. Quan điểm đúng, sai không rõ ràng. Ý chí bao trùm là nhẫn nhục. Có kẻ còn trơ chẽn khen Sếp, ngay cả khi bị chửi. Kiểu như chuyện xưa, quan sai về nhà lấy lông voi. Ngủ gật, nghe không rõ, đoán mò: “Chắc sếp nhớ vợ, nên cần lông của vợ cho đỡ nhớ…”. Lấy được rồi, tò mò mở ra coi. Lông bị gió bay, đành về nhà, xin “lông mẹ” thay thế. Bị chửi: “Bảo mày lấy lông voi, chứ mày lấy cái lông L… mẹ mày à…”. Mà vẫn xoen xoét khen: “Bẩm Sếp…Ngài minh lắm ạ.”! 

Loại nịnh này mà ở cấp phó, làm tham mưu, lại hay say sỉn thì chữ tác ra chữ tộ. Thành âm mưu làm hại, chứ tham mưu gì!

-Lại có loại nịnh, tai thính như cầu. Chuyên rình mò nơi xó cửa, nghe lén chuyện người khác. Rồi ton hót, điêu toa, thêm bớt, nói xấu, chỉ nhằm vụ lợi bản thân 

Có loại nịnh trên, bằng cách: lấy của tập thể hay lừa những người nhẹ dạ, cả tin, lấy tiền của, của họ đem dâng cho kẻ quyền thế. Kiểu “của người, phúc ta”. 

Chung quy, mọi kiểu xu nịnh, nhân cách đều thấp hèn, đều là do đam mê lợi ích kinh tế và vì hám cái oai của vỏ chức quyền. 

Tuy vậy, vẫn chưa mạt hạng bằng loại” Sếp Nịnh”- Một loại cán bộ năng lực kém, hoặc có chút học vị, nhưng sống bê tha, buông thả đi lên bằng nịnh. Cuối đời, vì mục tiêu “tham quyền cố vị, níu kéo cái ghế sắp tuột ”trước khi đi chuyến tàu vét”. Cần lấy lòng người có quyền lực, mong trụ lại để chơi cú đấm với, mà mang cả người thân, người mình từng hàm ơn ra để nói xấu, nịnh kẻ đương quyền để cho họ tin mình là người thẳng thắn 

Cần lấy lòng người có quyền lực, mong trụ lại để chơi cú đấm với, mà họ bất chấp tất cả, kể cả mang người thân, người mình từng hàm ơn ra để nói xấu, nhằm nịnh kẻ đương quyền, hòng chứng minh mình là người thẳng thắn, mong được sử dụng. Kiểu nịnh tiểu sành này, trên cả tài nịnh của Hoà đại nhân 

Loại người đi lên bằng cúi luồn, động cơ nịnh thường bắt đầu từ cơ hội chính trị. Mà cơ hội chính trị để có quyền, để vớ nhiều tiền thì bẩn thỉu. Lừa đảo, bất chấp đạo lý, bất kể người lạ hay quen thân. Dẫn đến lưu manh chính trị, thì nham hiểm vô cùng, núp bóng công,tư rất khó phát hiện. Đặc biệt loại nịnh này rất biết cách lợi dụng cơ hội. 

Ví như, có trường hợp tranh thủ vượt quyền, ký bừa các quyết định khi vừa có chủ trương mới. Rồi lại hủy, kiểu sớm nắng chiều mưa, chuyên rung trà cho cá nhảy. Hay cơ hội khi thuyên chuyển cán bộ. Tranh thủ ký hợp đồng thực hiện các dự án, khi chưa cấp bách, lại đang lúc thiếu hụt ngân sách, vi phạm nguyên tắc lãnh đạo, chỉ vì nôn nóng mong được hưởng hoa hồng.

Để đạt được ý đồ, họ vẫn bài cũ là nịnh nọt. Chạy đôn, chạy đáo. Quen thói nhờ vả, mong tác động với cấp trên cho nhanh thực hiện. Khi bị can ngăn, không thực hiện được, thì đi đâu cũng tuyên truyền, do ông nọ, bà kia “Không ủng hộ Huyện…”Tức là không ủng hộ họ, trong thực hiện vội dự án, để họ mất xơi hoa hồng !

Rất may, dù kẻ nịnh vẫn đang tồn tại, như loại Cô vít ngoài môi trường. Nhưng người ưa nịnh ngày một ít đi, thì kẻ xu nịnh cũng tàn theo tỷ lệ thuận. Nhất là khi công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc đang trên đà thắng lợi. Trong đó có cả lĩnh vực công tác tổ chức và cán bộ. Lớp cán bộ chủ chốt từ cơ sở, đến cấp trên cơ sở, hầu hết trẻ trung, có phẩm chất, năng lực trình độ, được đào tạo bài bản, đủ tiêu chuẩn Chuyên, Hồng, sẽ thay thế cho số cán bộ do anh em, ê kíp, lợi ích nhóm mà thành, do nịnh bợ mà nên. Chắc rằng, khi đó kẻ Nịnh sẽ không còn đất để dung thân!

5/2023

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

MONG ĐỢI ANH VỀ





















(Kính tặng chị Lê Thị Cởi và các gia đình Liệt sĩ xã Thiệu Hợp, Thiệu Hoá, Thanh Hoá )


Tháng 7 này anh có về không ?

Mẹ và cả nhà, đợi trông anh đấy !

Dẫu biết rằng ngái xa như vậy

Vẫn mòn mỏi mong, ngày thấy anh về

***

Xa lâu rồi, anh còn nhớ đường quê

Nhớ cầu qua sông Chu, luồng ghép thành bè(1)

Nhớ điếm canh đê, đêm hè lửa đỏ

Tấp nập bến sông cánh buồn no gió

Bạc phếch núi Vồm, lặng đứng đó chở che ...

***

Đã khác xưa rồi, đỡ khổ một miền quê

Không còn nữa cảnh chiêm khê, mùa úng

Cống Mười Cửa, giờ tưới tiêu chủ động

Những đường làng, láng nhựa, bê tông

***

Thiệu Hợp quê mình đất chật, người đông

Những Chấn, Thắng Long, Nam, Bắc Bằng, Quản Xá(2)

Xưa dân tha hương, bởi vì nghèo quá 

Nay đổi mới rồi

Ta làm giàu ngay giữa chính quê ta

***

Hai bảy tháng bảy về, thơm ngát hương hoa

Trên bàn thờ mỗi nhà và nơi tượng đài liệt sỹ

Uống nước nhớ nguồn, sắt son, chung thủy 

Đạo lý người quê ta bình dị, nghĩa tình

***

Anh ra đi, mãi mãi tuổi xanh

Người đợi ở quê, giờ thành lưng còng, tóc bạc

Nhưng thảy đều mong cuộc sống này đổi khác

Cho đỡ khổ mẹ già, nhẹ linh hồn kẻ còn mãi nơi xa...

***

Tháng bảy này.... 

Nếu chưa kịp về nhà

Thì nỗi nhớ thương quê ta vẫn vậy.

Cái nghĩa, cái tình, làng quê ta thế đấy

Vật đổi sao dời, lòng thương nhớ mãi còn đây 

VVL

(1) Cầu phao Vồm qua sông Chu đoạn Thiệu Dương- Thiệu Hợp

(2) Những tên làng thuộc xã Thiệu Hợp