Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Nói chuyện VỀ GIA PHẢ.

 












Khi nền kinh tế phát triển, cùng với sự phát triển chung của xã hội, phong trào xây nhà thờ gia tộc và biên soạn, ghi Gia phả cũng phát triển. Có thể nói các họ, các nơi, khi có điều kiện là được tiến hành. 

-Gia phả được hiểu đó chính là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, ngày giỗ, vai trò và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ và mộ phần, của một gia đình hay một dòng họ. Để con cháu biết, tỏ lòng hiếu nghĩa, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục, hương khói cúng giỗ, xây đắp sửa sang mồ mả hàng năm... Hay xa hơn nữa là cuốn Tộc phả, Giúp cho thế hệ sau biết Tổ tiên, họ tộc, Anh em, bà con xa gần nhà mình, để còn nhận biết nhau, tránh cho anh em con cháu khỏi cưới hỏi lẫn nhau, quan hệ loạn luân và tránh được nhiều điều đáng tiếc trong Gia tộc. Bởi vậy phải phổ biến cho con cháu biết, không dấu diếm. (Thế mà có trưởng hợp là cháu nội mà không biết họ tên, ngày giỗ ông bà Nội của mình nữa mới lạ). Song gia phả chỉ phát đến người có trách nhiệm, được quản lý, không để kẻ xấu lợi dụng thông tin.

Đã là Gia Phả không phải họ thì không được ghi vào gia phả. Mặc dù có người cùng họ, ở cùng làng, thờ chung một Thành Hoàng, nhưng Không chung một ông Tổ, không phải anh em trong họ người ta, thì cũng không được bắt quàng để ghi vào gia phả của họ đó.

Không ai Sáng Tác gia phả, mà chỉ là người ghi, hoặc biên tập. Người ghi, biên tập, chép lại gia phả, phải căn cứ thực tế, từ tâm, trung thực và từ lịch sử để lại. Nếu vì động cơ cá nhân, mà man trá bút tích người trước, làm méo mó lịch sử, là xâm hại đến vong hồn tiền nhân, có tội với họ mạc.

Việc Ghi gia phả là nhằm giúp cho thế hệ hiện tại và thế hệ sau, hiểu đúng tổ tiên họ mạc, ông bà cha mẹ nhà mình trước đây là ai. Khi mọi người đã hiểu được những người trong họ, anh em trên dưới… Thì sự giúp đỡ đó đã hiệu quả và cuốn gia phả đó là của gia đình họ. Không ai có quyền thu hồi gia phả, nhằm để xuyên tạc sự thật, vụ lợi cho cá nhân. Đến đời hiện tại, thì cha mẹ phải có trách nhiệm trực tiếp ghi, để lại cho con cháu mình đời sau, không ai làm thay.

Trong cuốn Từ điển Hán-Việt, Đào Duy Anh đã định nghĩa: “Gia phả là Sách ghi thế hệ trong họ và lịch sử tổ tiên” của họ mình. Nghèo hèn hay sang giàu, tốt, xấu cũng là tổ tiên dòng họ cha mẹ mình. Không ai chỉ vì họ mạc, ông bà, cha mẹ mình nghèo, không danh giá, mà chối bỏ Họ của chính mình. Cũng không ai ngược đời, không phải họ mà đòi người khác ghi vào Gia phả của họ người ta. Và cũng không ai là người có trách nhiệm trong họ mà lại vớ vẫn làm theo yêu cầu của người thiên hạ.

Một bản Gia phả được coi là hoàn chỉnh, trước hết phải là một gia phả có cấu trúc gồm:

-Lời tựa ( hay lời nói đầu).

-Phả hệ( Có điều kiện thì in ảnh, sơ đồ phả). Phần cuối có chú giải. 

-Gia phả, tộc phả được ghi chép rõ ràng, chữ nghĩa chân phương, có ghi rõ tên người sao lục, biên soạn thuộc đời thứ mấy, năm nào, triều vua nào, căn cứ vào bản nào, tên người tục biên qua các đời cũng có cước chú rõ ràng.

Ngày nay làng quê có nhiều họ. Sống trong tình làng nghĩa xóm là chủ yếu. Nhưng người ta vẫn tìm về cội nguồn họ mạc. Đó là sự cần thiết. Chim có tổ,  người có tông là vậy.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, do đói khổ, nhiều gia đình phải tha phương cầu thực, bỏ quê đi mưu sinh, đến ngụ cư nơi khác, làm con nuôi, mượn họ, đổi danh… Qua các chế độ xã hội, tên, họ mượn đó vẫn được chính quyền tôn trọng, nếu không có sự đề nghị thay đổi theo nguyện vọng cá nhân. Nhưng với gia phả thì hoàn toàn khác, không thể theo nguyện vọng cá nhân mà kiếm bố, đổi mẹ!

Ngày nay chế độ mới, dân chủ, ấm no, hạnh phúc, nhân dân đều bình đẳng. Nhiều họ sống nhân ái đoàn kết, yêu thương trong một làng quê. Nhưng trong tâm, họ luôn đau đáu tìm về quê cha đất tổ, dù khó đến mấy cũng tìm về chính họ của mình. Hầu hết những trường hợp đó đều đã thành hiện thực. Đó chính là tổ tông, huyết thống của họ, mặc dù trên lĩnh vực quản lý nhà nước hiện tại, họ đang mang họ khác. Cá biệt lắm mới có người không thiết tha tìm về cội nguồn, bỏ mặc, mang họ nào cũng được. Chắc rằng, nơi nguồn cội đó, trong Gia phả của dòng tộc của họ, nơi ấy cũng sẽ ghi rõ những trường hợp xa quê này. 

Điều đó cũng khẳng định, nơi họ đang cư trú , Gia phả của một họ nào đó không thể ghi người khác họ vào gia phả của gia đình mình, nếu không có ai nhận làm con nuôi hoặc chứng minh có người sinh ra họ thuộc ở cành nào, chi nào. Hay trong thực tế, có trường hợp quan hệ gia đình nội ngoại rất gần, như chị em trai, con cô, con cậu… Tình cảm gia đình là vậy, nhưng gia phả, khác họ, khác ông Tổ thì cũng không thể ghi vào gia phả họ tộc. Do đó, những người mượn họ, mượn danh càng không thể ghi trong gia phả. Làm sai sẽ mang tội với tổ tiên. 

Thiết nghĩ như vậy đã là quá rõ. 

Thế nhưng do sự kém hiểu biết,  người ta thường hiểu sai lệch về gia phả, đi đến những đòi hỏi và yêu cầu không đúng. Hại thay, người có trách nhiệm trong họ cũng không hiểu, lại dĩ hòa vi quý, và chính họ đang làm mất đi sự đoàn kết, làm cho lộn xộn trong họ, làm mất đi tôn ty kỷ cương lâu nay của một dòng họ. 

Ngược lại cũng có người đã là cán bộ, nhưng biết đúng mà không dám giải thích. Thậm chí được gắn thẻ, để giúp họ thay lời giải thích, nhưng đã gỡ thẻ vì quá nhu nhược. Loại người này thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, mà làm cán bộ thì chỉ cá nhân cơ hội, không xứng đáng làm người đầy tớ của nhân dân. 

Nên mỗi người khi sử dụng gia phả phải có trình độ tối thiểu và được suy nghĩ thấu đáo thì mới có hành vi đúng, nếu không cũng như đàn gảy tai trâu mà thôi!

16/10/2023

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023

CAU ĐÃ TRỔ BUỒNG








Quặn lòng, banh bẹ, sinh con

Nhân nay thành quả, vuông tròn yêu thương 

Ấp ôm, năm tháng, nở buồng

Mười hai bến nước, dặm trường long đong 

Để giờ, bung tỏa hương nồng 

Thoả lòng mong mỏi, thoả công người trồng 

Cau xanh, quấn quýt trầu không 

Vôi thôi phận bạc, thắm nồng lứa đôi

Thân cây cho đến kiếp người 

Sinh thành, đạo hiếu, muôn đời nhớ cho

9/7/2022



NGÀY XƯA...ƯỚC GÌ









( Không muốn mà đành phải chịu)

Ngày xưa, lăn lộn chiến trường

Đầu xanh, tuổi trẻ coi thường gian nguy

Người lính còn giặc, còn đi

Sáng ngời lý tưởng, xá gì tấm thân

Sốt rét, nhiễm độc... bao lần

Đói cơm, thiếu muối cái chân phù nề

Thương người mãi mãi không về

Kẻ sống, bệnh tật ê chề bám đeo

Thần kinh, hành hạ sớm chiều

Giật mình đêm, tưởng bom reo, pháo dồn

Lẫn rồi, quên, nhớ từng cơn

Tính cách thay đổi, giận hờn vu vơ

Da cam, nhiễm độc không ngờ 

Những ai từng lính bây giờ ngấm chưa ?

Lâu ngày chuyển dạng ung thư

Nằm thoi thóp.

Tiếc ngày xưa... !

Ước gì!

14/7/2020

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

CHỜ ĐỢI MÙA NGÂU

















Ngâu về mà những thương thêm 

Nên chăng sùi sụt cả đêm qua rồi

Mong là nhìn mặt nhau thôi

Mà sao dạ cứ bồi hồi hả em ?

Ngày, ngày nhắc“Cố mà quên “

Đã không, nhớ lại nhân lên nhiều lần 

Vùi sâu, chôn chặt trong tâm 

Miệng cười, lòng vẫn nặng phần xót xa 

Hy sinh, mình chịu cho ta

Vẫn trinh nguyên, vẫn như là thuở xưa…

Vui gặp mặt. Buồn tiễn đưa !

Tháng mưa chừng ấy, vẫn chưa thỏa lòng 

Tưởng là vơi nỗi nhớ mong 

Ai ngờ đầy ắp, chất trong tim này 

Thôi đành… dứt áo chia tay 

Khổ lao, hy vọng một ngày cam lai

Mưa ngâu, tháng vẫn còn dài

Sông Tương, vẫn cứ đợi hoài mùa Ngâu. 

2023

Tháng 7 mùa ngâu

“Ông Ngâu, bà Ngâu

Cả năm mới thấy mặt nhau một lần “