Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

BÁM LỲ





 









Tuổi cao, làm năm nhiệm kì

Quan Hội giữ ghế bám lì không tha

Kẻ tham chẳng biết mình già

Quan trên thích nịnh

Duyệt là cho qua.

"Báo cáo anh..." 

(thêm tí quà).

Giơ tay biểu quyết thật là nhanh, mau

(Nổi tiếng dư luận chưa lâu

Tham quyền bám ghế, già đâu chịu rời )

Quen rồi ăn thật, làm chơi

Quản lí tiền tỉ, lương thời gấp đôi

Tưởng còn tự trọng với đời

Tự giác xin nghỉ để người khác thay

Ai ngờ ông lại thế này

Bỏ ngoài tai hết, không thay ghế ngồi

"Cối chày", chắc nhất ông thôi...

8/2016

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

CHUYỆN KỂ LÚC KHÔNG GIỜ


 









Sau cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ, tôi ra học ở trường Cán bộ Quản lý D27(K2D7), thuộc Tổng cục Hậu cần.

Tại đây tôi ở cùng phòng với trung uý Nguyễn Thông, một sĩ quan đẹp trai, phong độ, trong chiến đấu thuộc dạng lì có hạng, nhưng đời thường, duyên tình trắc trở. 

Anh đã ngoài 30 nhưng vẫn chưa vợ, mặc dù đã có mấy cô yêu thương anh say đắm. Thế nhưng chỉ một thời gian, nghe xì xào gì đó, họ đều"chạy làng". Chạy mà nhiều cô"vừa chạy đi, đầu vừa ngoảnh lại"vì tiếc nuối. Mà anh đâu phải là người trăng gió cho cam.

Lính chung phòng, dễ bề tâm sự, nhất là trong những ngày nghĩ, xa nhà, trời rả rích mưa

Chuyện anh kể cho tôi nghe cũng trong một ngày như thế 

Chuyện rằng :

- Tôi nhập ngũ vào tháng giêng. Hồi ấy tôi trẻ, trắng trẻo và đẹp trai, chứ không bị sốt rét, đen, già, xấu như bây giờ. Vả lại khi ấy lại chưa có vợ, sinh viên, mới tập yêu thôi. Người tôi yêu, đang để dành ngoài Bắc. Còn người yêu tôi ấy à! Có trời mới biết những cô nào? Tuỳ họ thôi, họ thích thì cứ yêu, tôi không cấm! Mà đơn vị tôi khi ấy, toàn trai tơ chưa vợ nhé, ngoại trừ mấy ông chỉ huy .

Là đơn vị khung, nuôi lính ăn dưỡng, chờ bổ sung cho các đợt đi B, nên lãnh đạo toàn già và da sốt rét. Riêng biên chế y tá của đại đội là một cô gái xinh đẹp, người miền quan họ, có cái tên là Thu Hoà. Hoà tốt nghiệp lớp y tá trung cấp thì nhập ngũ. Sau huấn luyện, ở lại làm cán bộ khung. 

Cô phụ trách y tá đại đội, khi chúng tôi hết giai đoạn luyện tập, đang an dưỡng, chuẩn bị đi B. Nhưng cũng là lúc cả đơn vị, từ quan tới lính, ghẻ kềnh, ghẻ càng, lổ lang vằn vện. Ghẻ tàn phá đại đội tôi dữ quá, trong đó tôi được liệt vào danh sách top ten, là thằng bị nặng nhất.

Tôi bị ghẻ toàn thân, nói như lính "ghẻ từ đầu chí cuối". Đến cái của quí cũng bị ghẻ cả cụm. Xấu hổ, tôi một mình dấu diếm tự chữa. Dại dột hơn, một lần ngứa quá không chịu nổi, tôi đã rót li nước sôi, nhắm mắt té vào ổ ghẻ. Tưởng ghẻ chết, ai dè nó không chết, mình thì bị bỏng. Tệ hại nhất là "cậu nhỏ " cũng bị vạ lây, nhiễm trùng cống mủ 

Bởi vậy, nhiệm vụ số một của y tá Hoà là tiêu diệt ghẻ, đảm bảo sức khoẻ cho bộ đội vào chiến trường. Trong đó, mục tiêu trọng điểm là tôi, một thư sinh, lính cậu, trắng trẻo và hay cả thẹn đang bị ghẻ nặng nhất .

Hàng ngày, Hoà cùng cậu Cường liên lạc vào rừng lấy lá cây ba chạc, lá lấu và một số lá đắng về nấu nước, bỏ thêm ít thuốc Xanh Etilel cho chúng tôi tắm và tự tra thuốc trị ghẻ. Tổ tiên nói ngứa ghẻ, đòn ghen, quả không ngoa ! Ghẻ chui sâu vào da thịt cư trú, cứ như ta đào hào giao thông tránh đạn. Muốn diệt chúng, phải dùng cây kim lể, khều cái ghẻ ra, rồi mới rửa cồn tra thuốc. Vừa dí cồn vào, lính ta nhảy dựng lên như điện giật vì xót.

Quy trình tiếp theo là, bôi loại thuốc mỡ để cho ghẻ ra ăn, bị nhiễm độc và bị tiêu diệt. Loại thuốc mỡ này không xót như bôi cồn, nhưng nhớp nháp, khó chịu. Bôi thuốc mà một ngày không được tắm, người bứt dứt muốn phát điên.

Thành thông lệ, cứ chiều chiều chúng tôi rồng rắn xếp hàng lên phòng y tá đại đội, tức là phòng của Hoà chờ tra thuốc. Anh nào cũng luôn tay gãi, mồm tếu liến thoắng, chân tay bôi thuốc loang lổ xanh, đỏ, tím, vàng ... trông vui mắt đáo để. 

Là bệnh nhân đặc biệt, lính cậu ngơ ngơ, nên tôi thường phải được hỗ trợ, nên Hoà xếp để tôi làm thuốc sau cùng.

Thế rồi, như cá nằm trên thớt, tôi nghiến răng, nhắm mắt, để cho cô y tá làm thịt. Lúc đầu còn đau, xót như phát điên, muốn vùng dậy nhảy tưng tưng, khi cô dùng panh gắp cồn 90, nhè chỗ tôi hay gãi và cả cái nơi đặc biệt ấy mà dí, mà bôi, làm cháy cả da thịt. Nhưng khi đã sạch mủ, ghẻ đã rơi ra và ngấm thuốc, tôi thấy lòng thanh thản, yêu cuộc sống, yêu đời đến lạ kì ...

Kể đến đây, Nguyễn Thông bổng trở nên ưu tư, mắt nhìn xa xăm, thở dài, chuyển hướng câu chuyện, tưởng chẳng ăn nhập đâu vào đâu:

- Ở một xã hội, tệ lưu manh, trộm cắp, tham ô của tập thể, của hợp tác xã... dù không tàn bạo, ác liệt như đạn bom chiến tranh, nhưng cũng làm suy kiệt tàn phá cả một đất nước. Ví cũng như bọn ghẻ ngày đêm gậm nhấm cơ thể, làm cho sức khoẻ ta hao mòn đến mức không còn sức sống, không ngóc đầu lên nổi.

Rồi anh ngước sang tôi, hỏi:

- Này ! Thế bị ghẻ chưa, hắc lào nữa? Bị rồi chứ gì? Hừ! Thoát sao nổi! “Phi ghẻ lở, bất thành Quân giải phóng"! Kk !

Ghẻ không làm ta chết ngay, nhưng gây bứt dứt, khó chịu, phá hoại sức khỏe lính ghê gớm. Khổ nhất lúc đang hành quân, khi mồ hôi ra nhớp nháp, ngứa đến vãi linh hồn. Nhè vào chỗ hiểm ấy, nơi cái của quý ấy mà hành nhau, thì chỉ có ghẻ mới độc ác thành tài đến vậy! Rồi cũng như mạch ghẻ, anh tiếp nối câu chuyện đang kể :

-Trận chiến với ghẻ rồi cũng đến hồi kết thúc, mà chiến thắng tuyệt đối thuộc về chúng tôi, tuy trên thân thể, nhất là vùng mông, vùng bụng còn để lại khá nhiều sẹo chiến tích. 

Chia tay đơn vị an dưỡng, về đơn vị mới để vào chiến trường. Dù chỉ thời gian ngắn thôi, mà ai cũng bịn rịn, lưu luyến. Riêng Hoà, gặp tôi, nàng không nói, cứ tủm tỉm cười...

Tháng 2/1972 đơn vị tôi chuẩn bị tham gia hiệp đồng chiến đấu, giải phóng Quãng Trị

Đêm 31/3 rạng ngày 1/4 chúng tôi cùng các đơn vị bạn, đồng loạt tấn công các mục tiêu quân sự của Mỹ, nguỵ. Quân địch nhốn nháo, hỗn quân, hỗn quan rút chạy sâu về phía nam

Truy kích địch đến một sân bay quân sự dã chiến, thì chúng tôi bị địch chống cự quyết liệt. Đang trên đường hành tiến, tôi bỗng thấy nhói một cái phía bụng dưới, tiếp đó là cảm giác mát lạnh ở vùng bẹn. Anh biết đó, người lính khi vào chiến trận, đạn bom nó tránh mình, chứ mình biết đâu mà tránh. Mà đã không tránh thì mặc xác nó, vào đâu thì vào. Nên còn tiến được thì cứ tiến thôi ... Chạy vài chục mét nữa, thấy loạng choạng, tôi đành chịu tụt lại. Khi ấy, phía trước anh em đã dập xong các ổ hoả lực địch 

Kì lạ, bị thương, nhưng tôi không thấy đau lắm, chỉ ra nhiều máu, ướt cả quần và chảy dài xuống đôi chân đi giầy, bước đi cứ dinh dính và nghe tiếng nhóp nhép, nhóp nhép. Anh em đưa tôi về phía sau, giao cho y tá đại đội sơ cứu, băng bó. Tại đó, năm, sáu chiến sĩ của đại đội cũng bị thương. Trong đó có cả cậu A phó, A7 của trung đội tôi, bị gãy cả hai vai. 

Đỡ tôi nằm ghé vào thành lô cốt, anh y tá lấy dao găm, rạch một bên ống quần,  nơi máu đang thấm ướt và buột miệng kêu: Trời !

Mọi người ngỡ ngàng nhìn sang: Vết đạn sượt qua bên phải, làm toác, dúm da dương vật, gần sát thành bụng và dừng ở đùi phải, đang rỉ máu. 

Chẳng biết tụi ngụy này, ai dạy chúng, bắn kiểu gì lạ thế không biết. Nói dại, nó mà xuyên chính giữa thằng nhỏ thì chỉ có mà đi đứt !

Riêng tôi, dù vết thương nhẹ, nhưng lại đúng nơi “đặc biệt nghiêm trọng”, nên sơ cứu xong, được chuyển gấp về bệnh xá hậu cứ để xử lý tiếp.

Tại bệnh xá Trung đoàn, bất ngờ tại đây, tôi gặp người quen. Khà khà?Anh biết ai không? 

Anh dừng kể, nhìn tôi chằm chằm, tủm tỉm :

-Thu Hoà, y tá Thu Hoà đấy! 

Tôi nhìn anh, mắt tròn, miệng há cũng không kém: 

-Cô y tá an dưỡng?

Đúng rồi! Lúc ấy, đang dọn mớ bông băng, kim tiêm, ngước lên thấy tôi, Hoà thoáng chút ngỡ ngàng, sững sờ, rồi lao tới. Ôi! Cả đời tôi không thể nào quên được vẻ mặt cô lúc ấy, dù chỉ thoáng qua vài giây. Cô lắp bắp hỏi :

-Anh vào hồi nào, bị chỗ nào, nặng không ? Đơn vị những ai bị nữa...

Tôi không nói nổi. Mà có biết đâu mà nói. Tôi chỉ tay vào vùng bẹn, nơi ấy máu vẫn chảy thấm băng

Dìu tôi vào hầm làm thuốc, nhanh nhẹn, thuần thục, như hồi chữa ghẻ, Hoà tháo băng, lau sạch lại vết thương, thông minh, ép"cậu nhỏ" vào đùi bên phải, rồi dùng băng quấn vòng qua háng, lên thắt lưng, vòng xuống đùi mấy lần, rồi băng chặt.Tôi như người vô cảm, không thấy đau đớn gì và máu thì đã ngừng chảy. 

Thời gian điều trị, sức khoẻ tôi không đến nỗi nào, chỉ hơi xấu hổ tý và giờ đây, thêm ở bên hông lũng lẵng một túi chứa nước tiểu, với cái ống dẫn lằng nhằng từ bụng ra, cứ vướng víu khó chịu

Hàng ngày, Hoà rửa vết thương, thay băng, trích thuốc, bón cơm cho thương binh... Cô làm việc cần mẫn, yêu thương và đầy trách nhiệm. Với tôi, cô cư xử vẫn như là cô y tá Hoà với bệnh nhân"bị ghẻ cái của quí ngày xưa”, không hơn, không kém. Song trong tim tôi lại trào dâng một tình cảm rất lạ: Có duyên số gì không mà từ Bắc đến Nam, cứ đem cái của nợ, chứ quý hóa gì, giao cho người ta. Thật tệ vô cùng!

Nhưng có lẽ tệ nhất, đáng xấu hổ nhất là thời gian sau này, khi mà vết thương sắp kín miệng, ngứa và kéo da non

Đó là một lần thay băng, lúc bàn tay mềm mại của Hoà rửa vết thương, lật qua lật lại thằng nhỏ nóng hổi, để cuốn băng, bỗng dưng"cậu nhỏ của tôi - Khẩu súng cối cá nhân, cái của quý" bị đạn cực nhanh sượt qua ấy, bỗng dưng cụ cựa và cương lên. Khi ấy, nơi miệng vết thương bị vỡ ra và rỉ máu. Có điều, việc băng bó thuận lợi hơn, dễ dàng và nhanh hơn. Những lúc ấy nói thật tình, tôi chỉ muốn độn thổ!

Lạ thật, thời ăn dưỡng, được vỗ béo, cũng người ấy, bàn tay ấy, mà ghẻ đã làm cho co vòi, không ngóc cổ nổi.Thế mà giờ đây, khi bị đạn thù xé rách, máu đổ là vậy, lại hung hăng, ra vẻ ta đây!

Nhưng cái tưởng thuận lợi lại chính là cái khó không ngờ nhất

Lần ấy cũng như mọi lần, khi Hoà tháo băng, dùng panh, kẹp bông sát trùng, lau quanh miệng vết thương đang kéo da non, nhanh chóng, gọn gàng băng lại, khẩn trương thay băng cho chiến sĩ khác. Nhưng khi cô vừa đi khuất, tôi có cảm giác như bị tháo băng và lành lạnh nơi vết thương. Cúi nhìn, tôi thấy băng đã tuột và vết thương bị hở đang chảy máu ...

Được tin, Hoà vội vàng trở lại. Thoáng chút bối rối, thiếu tự tin, có lẽ nghĩ do mình làm vội, nên băng không chặt. Rồi như mọi lần, cô nhẹ nhàng và thuần thục băng kín vết thương. Xong việc, Hoà đứng dậy thở dài nhẹ nhỏm, thu đồ nghề, hơi đỏ mặt chào tôi rồi trở ra. Nhưng thật kì lạ, cô vừa bước đi được vài chục mét thì cảm giác như bị ai tháo băng lại xảy ra. Mà đâu phải cảm giác nữa, do cậu nhỏ không cương, nên băng bị lõng và tuột khỏi vết thương. Hoà đành phải trở lại. Mở túi cứu thương, cô nhanh chóng lấy băng khác thay cho cuộn băng bị tuột và động tác vẫn khéo léo mềm mại, chính xác như mọi lần.

Thế nhưng, cứ như bị ma ám, hễ cô đi khỏi, thằng bé lại  xỉu xuống, cuộn băng lại tuột...

Chán nản, cô ngồi phịch xuống ghế bất lực. Còn tôi, tôi lại muốn độn thổ...

Hôm ấy, có anh y sĩ, đồng hương, đang công tác cùng trạm phẩu. Nghe tin tôi bị thương, anh đến thăm và cũng đúng lúc Hoà đang lúng túng vì tình huống trớ trêu. Chưa kịp hàn huyên, vừa nghe Hoà kể, không nói không rằng, anh cầm lấy chiếc panh từ tay cô, đột ngột gõ mạnh vào đầu cậu nhỏ. Lạ thay, cậu nhỏ đang kiêu hùng, ngang ngược, bổng nhũn như chi chi, nhanh chóng xẹp xuống .

Không chần chừ, anh lấy cuộn băng, với động tác thành thục, dứt khoát, băng chặt luôn

Bỏ cây panh vào túi đồ nghề của Hoà, anh vừa nói, vừa cười :

- Đồ nhà lừa, không ưa nhẹ đâu. Lần sau hễ nó cứng cổ, em cứ gõ vào đầu hắn, cho xịp xuống, nhanh chóng gô cổ, trói luôn là hết chống cự !

Trời ạ! Đơn giản có vậy mà Hoà và cả tôi không nghĩ ra. Hoà thì lúng túng vì từ thuở cha sinh, mẹ đẻ đến giờ, mới gặp tình huống này, mà khi học y tá thì chẳng ai dạy. Còn tôi, có trời mới hiểu sao cậu nhỏ nhà tôi lại hư đến thế .

Từ đó, các lần sau Hoà làm thuận lợi hơn. Khi rửa vết thương, cô cứ mặc cho hắn ta hung hăng, đứng như gậy như ý của Tôn hành giả, trước khi băng, cô vô tư đập cho hắn ta một búa, thụt vòi, mềm nhũn, rồi băng lại. Với cách ấy, một tuần sau vết thương lành miệng, kéo sẹo và không phải băng nữa và cuối cùng, tôi đã được tháo cái bịch bên hông

Vết thương khỏi, tôi ra viện và về đây đi học. Còn Hòa vẫn đang ở lại Quân y viện.

Khi tôi đi, cô khóc nhiều lắm, khóc công khai, khóc chảy máu tim tôi! Thế mà khi tôi gửi thư đòi yêu cô, Hòa nói chỉ"coi tôi là bệnh nhân ghẻ thôi". Rồi bặt tin, nghe đâu cô lại chuyển đơn vị...

Thật kì lạ, cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu nổi tình cảm thật của cô !

Chuyện tưởng có vậy, ai ngờ lan truyền mãi, hầu như ở binh trạm nào cũng biết và họ còn thêu dệt thêm những tình tiết li kì. Trong đó nói rằng tôi yêu Thu Hoà, nhưng bị Hoà từ chối vì tôi "nuôi chim cánh cụt" không đầu, còn mỗi tí teo ngắn ngủn, chỉ có tác dụng bài tiết, mặc dù tôi hoàn toàn bình thường như mọi thằng đàn ông bình thường

Tai ác nhất không rõ bằng cách nào mà chuyện đạn bắn gãy cổ chim cứ theo tôi mãi, đến nỗi khi làm thủ tục xếp loại thương binh tôi cũng ngại và bỏ luôn, thế mà cũng không thoát ?

Kể đến đây, anh khẽ thở dài. Tôi nhìn anh thông cảm và bổng nói một câu đến vô duyên:

-Chắc giờ trắng tay, không mảnh tình vắt vai phải không ?

Anh chậm giải, mắt nhìn xa xăm:

-Về đây anh biết đó, có cô giáo trẻ, thương yêu mình, nhưng khi nghe "cái khoản ta" của mình không bình thường là lãng! Gay thế! Có cô Hà, là lính 559, bị thương, chuyển ngành đang học ĐHXD trường bên, có ý thương. Tuy không bỏ của, chạy lấy người, nhưng cũng đang băn khoăn lắm. Tôi thì thất bại mãi rồi, chẳng thiết nữa ... Gía mà biết Thu Hòa đang ở đâu, nếu chưa có người yêu, tôi liều yêu bằng được, hoặc ít ra cũng minh chứng cho tôi...

Tôi nhìn anh thông cảm và buột miệng :

- Thế chị Hà yêu anh, nhưng chỉ băn khoăn mỗi khoản ấy chứ gì. Thế sao anh không tự chứng minh ?

- Ủa? Tôi chứng minh? Mà chứng minh bằng gì ? Tính tôi cả thẹn, bệnh mắc cở thành mãn tính ...

- Nhưng hai người yêu thương nhau, chỉ có tí trở ngại do hiểu lầm ?

- Thì chỉ có vậy !

- Thế thì xong rồi ...

Tôi chưa dứt lời, anh đã nôn nóng :

- Xong là xong thế nào ? Cách gì ? Anh nói nghe nào. Sốt ruột ...!

- "Cậu nhỏ của anh, cái khẩu cối cá nhân ghẻ ấy" vẫn đứng nghiêm đấy chứ...

- Thì vẫn, nhiều bữa còn hung hăng nữa kia ...

- Thế thì ô kê ! Tối mai anh mời chị Hà đi xem phim. Nhớ mời bằng được và mua 2 vé gần nhau. Lúc nào thời cơ thuận lợi, anh hãy nói  

" Thật vàng chẳng phải thau đâu

Đừng đem thử lửa cho đau lòng vàng

Mấy lời anh nói cùng nàng

Không tin thì cứ ...cầm vàng mà coi..”

Rạp tối, tay anh chị để đâu thì để ... ! Rõ chưa ?

Hôm ấy, hai người rủ nhau đi xem bộ phim"Đến Hẹn Lại Lên" ở Rạp thángTám. Chẳng rõ anh có mang theo vàng và chị có coi vàng hay không, nhưng sau đêm phim đó, họ yêu nhau như điên dại, như chưa từng được yêu trên đời.


***

Sau này tôi chuyển đơn vị. Bẵng đi khá lâu không gặp. Tình cờ vừa rồi đi họp ở Tổng cục, tôi mới được tin: hai người cưới nhau dạo cuối cái năm xem phim ấy. Hiện nay họ đang rất hạnh phúc và đã có tới 3 nàng công chúa

Thế đó! Một câu chuyện riêng tư, một kỉ niệm nho nhỏ trong thời bom đạn xa xôi của lính, mà lính thằng nào cũng khoái, cứ truyền nhau và thêm thắt thành dị bản. Riêng tôi, tôi xin kể trung thành cho những ai còn thức lúc 0h ngày 22/12, một ngày truyền thống hào hùng của chung người lính và xin tùy tâm, ai tin thì tin, không tin thì thôi, vì chuyện này tôi chỉ được nghe đồng đội tôi kể lại .

21/12/2012



Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

GIỜ MỚI NÓI













Các cụ đi cả rồi, giờ mới dám nói. Nói cho đỡ nhớ, chứ chẳng dám khoe đâu. 

Thuở xưa, hồi nước ta còn bị Tây, Nhật áp bức...  Gia đình nội, ngoại tôi, khi có Cách mạng về, đi theo cách mạng cả.

Riêng mấy cụ và mẹ tôi đây, họ là cháu ruột quan Huyện Quỳnh Lưu, NA.(ở quê họ thường gọi cụ là Quan Huyện Quỳnh). Cụ từ quan, về Phang thôn, tổng Đông Lý quê nhà. Hai cậu tôi không theo nghiệp ông làm quan, mà đi theo cách mạng. Đến thời các con cháu của các cụ cũng vậy! Tuy đều thành đạt, nhưng chả ai đam mê quan chức, chỉ lao đầu vào học và thành trí thức, dù chủ yếu chỉ làm nghề giáo...

Cậu cả tôi, Hoàng Yên Cường, lão thành cách mạng 1941, Bí thư chi bộ đầu tiên của Định Hoà. Mợ tôi, bà Lê Thị Thanh Tâm, vợ cậu, 75 năm tuổi đảng, mất hôm 20/8/2020 vừa qua, quan tài được phủ quốc kỳ. Bà là  cháu ruột cụ Lê Chủ, Chủ tịch UBHC Tỉnh Thanh Hoá năm 1946, cán bộ lão thành Cách mạng T/U Thanh Hoá xưa.

Cậu thứ 2, Hoàng Trung Quang, hoạt động kháng chiến thời Tây. Vợ cậu, bà Lê Thị Nhẫn, là lão thành Cách mạng, quê ngay làng Hàm Hạ, nơi Đảng bộ Thanh Hoá ra đời. Thế mà đến lúc chết, gia đình tuy không phải xếp “hộ Cận nghèo”, nhưng gia tài không bằng móng tay các ông đầy tớ bây giờ!

Bên nội tôi, các bác và bố tôi, thuở Tây, Nhật đều làm quan, chức sắc làng nhàng. Bác cả là ông Cựu Tháy, nghề làm ruộng, dân đi cày lõ đít. Sau 1953 được phong hàm “Địa chủ”, vào Đảng LĐ VN 1946, bác  mất khi đã nhận huy hiệu 50 tuổi Đảng. Bác hai là ông Mục Cận. Còn bố tôi cũng hàm Phó Lý... . Chả hiểu sao các cụ lại đi theo cách mạng, đi kháng chiến cả. Hỏi thì bảo"Không rủ nhau cùng hoạt động, người nhà, dễ che dấu, bảo vệ nhau... Người ngoài, để Tây nó biết, có mà chết hết à...”. Nghe ra cũng có lý. Na ná kiểu “một người làm quan, cả họ làm quan, hay“cả họ hộ nghèo" như thời bây giờ ý!  

Truyền thống gia đình chỉ được cái hiếu học. Các cụ đã vậy. Thời chúng tôi, các chị tôi và tôi cùng các em đều được đi học đến nơi đến chốn, dù nhà nghèo rớt. Chà ! Văn hoá cấp 3 khi ấy, trình độ cao nhất xóm vắng đấy! 

Khi Cải cách ruộng đất, mấy cụ chổi rễ, cũng là con cháu, họ hàng trong nhà. Trước đây, họ nghèo lắm, đi làm thuê cho các cụ nhà tôi, được đối xử ăn uống, công xá tử tế, có người còn nhận làm con nuôi hẳn hoi. Năm 1954-1955, ma xui, quỉ khiến gì mà đấu các cụ tôi lên bờ, xuống ruộng! Bác gái tôi đi cất vó tôm, họ kiểm tra, tốc giỏ thu hết chiến lợi phẩm! Kk! Rồi họ được chia nhà, chia đất, chia cả bò và cày bừa... thế mà sau này họ bán, ăn dần hết. Khi tôi lớn lên, thấy họ còn khổ hơn cả hồi còn đi ở . Còn nội, ngoại tôi, đã có hồi trắng tay... "Nhưng Đảng anh minh, trả lại thành phần”, lại đi theo Đảng, lại cần mẫn lao động, lại bới đất nhặt cỏ, để không có, rồi lại có. Tuy chẳng bằng ai, nhưng cũng không đến nỗi ngửa tay đi xin tiền người khác, để thanh toán khống ngân quỹ hoặc khai man tiền Cô vít. Riêng lòng tự trọng và nhân cách, ông bà bố, mẹ để lại thì vẫn còn giữ đủ đầy!

Mấy dòng lởm khởm, thay nén hương kính bái vong linh các cụ! Nếu có lỡ lộ tý cơ mật, cũng mong các cụ đại xá! 

23/8/2020

CHÙA THIÊN PHÚC ĐỊNH HOÀ












...”Xã Định Hoà, Yên Định, Thanh Hoá nơi có Điện Thừa Hoa, thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao, thân mẫu vua Lê Thánh Tông, xưa goi là Đồng Phang, có tên nôm là kẻ Phấng, một làng Việt Cổ xuất hiện từ thời các Vua Hùng, cách nay trên dưới 2000 năm. Đến thời Trần dân cư phát triển đông đúc thành xã Đồng Phang, tổng Đông Lí thuộc huyện An Định, phủ Thiệu Thiên. Đây là vùng đất có thiên nhiên đẹp, phía trước có đỉnh Non Biên, phía sau có cồn Yên Ngựa, hai bên có cồn Bút cồn Nghiên...Thượng thư Hoàng Phúc nhà Minh cũng từng bàn về địa thế vùng này mạch đất Đồng Phang giống như bàn tay tiên, nhiều mạch nước chảy hợp lại, tám hướng gió không lay động, mạch nước từ Cữu Bao chảy qua trăm dặm, qua ruộng, đưa nước về kết huyệt ở áp sông thành đất Văn tinh..." 

Một chữ Văn tinh, đã thể hiện cho một vùng văn chương bậc nhất...Nơi đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt được tạo thành bởi con sông Cầu Chày và  nhánh sông Bồng Nga ! Đặc biệt dải Bồng Nga chạy vòng quanh trong xã, với 10 thôn sống dọc theo hai bên sông trông như vòng tay ôm kín mãnh đất này. Đó cũng chính là Long mạch của xã, địa mạch này khí rất thịnh, mang nhiều quý điệu.(Đuốc sáng ) nên con người hào phóng, mang hoả tính, hoả sắc, lời nói thổ lộ, thẳng thắn, đúng sai không chút lẫn lộn, cuộc đời người dân ở vùng này chỉ giữ điều nhân, chẵng có thâm độc ...  

Nơi đây chính là quê hương bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Đức vua Lê Thánh Tông, nơi thờ bà gọi là điện Thừa Hoa, thường gọi là Phủ Nhì linh thiêng nổi tiếng...Trong quần thể di tích gọi chung là Phủ Nhì, còn có ngôi chùa Thiên Phúc, ngôi chùa toạ trên khuôn viên cao thoáng mát phía trước là con sông Bồng Nga uốn khúc, phía đông là điện Thừa Hoa phía Tây là dòng Hón quanh năm nước chảy mát lành ...

Sau Cách mạng năm 1945 quần thể di tích điện Thừa Hoa và chùa Thiên Phúc bị phá huỷ hết, lấy chỗ làm cửa hàng Hợp tác xã Mua bán, trường Chức nghiệp (BTVH )và các công trình công cộng khác... theo phong trào lúc bấy giờ. Vì nhiều lí do, những người tham gia phá huỷ công trình Phủ Nhì và Chùa Thiên Phúc tình cờ trùng hợp, họ đều gặp những chuyện không hay hoặc thiếu may mắn trong cuộc sống, gây dư luận xôn xao... Nên các công trình công cộng kể cả Cửa hàng Mua bán, trường học v v ...được di chuyển đến địa điểm mới, trả lại mặt bằng cũ cho điện Thừa Hoa và Chùa Thiên Phúc. Riêng mấy cây cổ thụ không ai dám đốn vẫn còn lại đến ngày nay như cây me 784 tuổi, cây thị gần 800 tuổi... Những năm trước tưởng chết khô, từ ngày Chùa có Sư các cây đều xanh lại cành lá xum xuê đầy sức sống. Với đạo lí uống nước nhớ nguồn, con cháu họ Ngô cả nước cùng nhân dân trong xã và các mạnh thường quân đã góp công sức, tiền của tôn tạo lại khu điện Thừa Hoa  và chùa Thiên Phúc như hiện nay

Năm 2010 Phủ Nhì đã được công nhận là Di tích Quốc Gia. Thể theo nguyện vọng của tăng ni phật tử và đề nghị của các cấp chính quyền, ngày10 tháng 11 năm 2011, Giáo Hội Phật Giáo đã bổ nhiêm sư thầy Hoà làm trụ trì chùa Thiên Phúc, lần đầu tiên chùa đã có Sư trụ trì và đêm ngày ngan ngát khói hương, ngày rằm, mồng một và các ngày lễ, du khách thập phương tấp nập về lễ chùa ! Đặc biệt Hội Phủ Nhì, chính lễ diễn ra vào ngày 26/3 âm lịch hàng năm, thì từ ngày 8/3 (ngày giỗ cụ Ngô Từ ) khách thập phương đã về tụ hội ... Cao điểm là từ 21/3 đến ngày 27/3 âm lịch dòng người khắp nơi tấp nập về trẩy hội Phủ Nhì và cũng là đi lễ chùa Thiên Phúc trong niềm tri ân và thành kính sâu sắc

Nhân sự kiện này Vulau đã  tặng Sư thầy trụ trì bức lưu thơ chúc mừng và được sư thầy vui vẻ chấp nhận

CHÚC MỪNG SƯ THẦY HOÀ                     

Thầy về Thiên Phúc trụ trì 

Vâng lời Chư Phật cũng vì muôn dân

Từ bi, bác ái, nghĩa nhân

Tiếng kinh, tiếng kệ xua dần khổ đau

Dù ai đi đâu, về đâu 

Lời thầy chúc vẫn nhiệm màu bình an 

Mát dòng sông, ấm xóm làng

Chuông  chùa Thiên Phúc ngân vang đất trời

Mừng thầy xin có đôi lời

Mừng chùa Thiên Phúc được Người xứng danh !

         Thiên Phúc Định hòa        

               10/11/Kỉ Mão

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

MỪNG CHÁU ĐẾN TRƯỜNG

 






(Yêu mến tặng cháu ngoại Tich Chu)

Thế là cháu được đến trường

Ước mơ cháy bỏng cháu thường khát khao

Đến trường mà ngỡ chiêm bao

Ba năm nằm viện ngày nào cũng mong

Ba năm cơ cực trong lòng 

Xạ trị, tiêm tủy, tận cùng nỗi đau

Ba năm tóc trọc cả đầu

Lấy ven, truyền máu, nát nhàu cả tay

Ba năm nhờ thuốc, nhờ thầy

Nhờ ơn trời, Phật... giờ đây đã thành

Cầu mong cháu mãi an lành

Chăm học,mạnh khỏe trưởng thành cháu nghe !

       22/8/2016

Ngày đầu cháu vào lớp Một

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

KHÔNG THỂ THIẾU













Nếu đất nước không nhà thơ nhà văn

Sẽ trơ lại những tâm hồn lạnh giá

Tẻ nhạt

Thiếu tình người.

Bạo tàn trên tất cả

***

Quốc gia nào xem thường những nhà thơ nhà văn

Quan lại chỉ còn mánh mung, thủ đoạn

Đất nước thiếu nhà thơ nhà văn

Sẽ muôn lần hèn yếu.

***

Là lãnh đạo mà câu thơ không hiểu

Lại thiếu đi những liêm, chính, kiệm, cần 

Không ưa những câu thơ, câu văn

Những góp ý, lời phê bình nói thẳng

Thích mát mẻ, sợ cả trời kia nắng

Kiêu ngạo, lộng quyền

Phụ dân

như kẻ quên đèn khi có bóng trăng

Thì nơi đó chẳng có công bằng dân chủ

***

Thơ văn góp phần làm thức tỉnh nhân tâm

Với mỗi chúng ta càng quí gấp ngàn lần

    12/2/ 2014

Người cao tuổi XÓM MỚI









 (hình tác giả)


Xóm tôi gọi là Xóm Mới

Độ tuổi thuờng trung niên thôi

Phần đa vừa được tách hộ

Vợ chồng trẻ mới thành đôi


Mọi người đùa vui  "Xóm Cối"

Quanh năm chỉ mỗi trò chơi...

Ngủ ngáy ngay từ chập tối 

Nên, trẻ con nhiều gấp đôi


Cư dân sàn sàn"Cá Đối 

Bằng Đầu", anh cũng như tôi

Nhưng, có ông không rõ tuổi

Mà tóc đã bạc trắng rồi


Tính ông tiết kiệm, it lời

Văn hoá lớp bốn, rồi thôi

Ngày xưa ra ngoài xã hội

Nghe đâu, cũng dân chịu chơi!

***

Đầu bạc -  Gọi Cụ thế thôi !

Cụ khoái, nên cụ không  nói

Nhiều khi lại thấy cụ cười ! 

Cụ cao tuổi nhất xóm tôi ?

***

Thế là từ ấy mọi người

Kính Cụ! Cụ cao tuổi ơi 

Ra đường, trẻ con gặp Cụ

Lại ngoan và biết vâng lời !


Những nhà ít nhiều rắc rối

Lại thấy cụ hay qua chơi

Rồi thì họ vui trở lại

Thuận hoà, kính trọng nhau thôi


Làng tôi có "Già làng " rồi !

Nhỏ to, cứ gọi cụ tới 

Riêng việc "góp ý cán bộ "...

Xã còn gửi cụ giấy mời.

***

Đầu trần, Cụ đi khắp nơi

Gần gũi hết thảy mọi người

Buồn, vui cụ cũng lui tới

Cụ "vác tù và " đi chơi ! 

***

Ai ai thấy cụ cũng cười

Dân tình chỉ quí cụ thôi

Chẳng như mấy thằng tham nhũng

Mới nhìn, dân đã ghét rồi


Bọn chúng nhìn cụ tức tối

Như là chuyện lạ trên đời ?

Chỉ có  nhân dân là hiểu

Dân quí, ai vì dân thôi 

***

Hôm qua sổ mũi, hắt hơi 

Bệnh viện, tôi đưa cụ tới

Giấy tờ mà tôi xem vội

Cụ ...tuổi ít hơn chúng tôi...?

***

Bây giờ mọi người hiểu rồi

Xóm làng quí người cao tuổi

Quý người vì dân làng thôi ! 

Còn thì bao nhiêu cán bộ

Làng cần chỉ có mấy người 

Đông? Rặt là phường tầm gởi

Chủ làm, cho tớ ngồi xơi ...

***

Ôi cái làng tôi, cái làng tôi 

Từ khi có người cao tuổi 

Làng tôi làng văn hoá rồi ...

9/2012

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

NẮNG TỪ TÓC MẸ

 












Cuộc đời lam lũ mẹ tôi

Ra đồng gà gáy, mặt trời chưa lên

Khi về đường ngõ nhá nhem

Dăng dăng sương muối, sáng đèn đầu thôn

Mồ hôi bạc trắng áo sờn

Nắng từ tóc mẹ, đêm còn tỏa lan

Còng lưng, để thẳng con nằm

Hồng hào con, mẹ trán nhăn, da vàng

Vì con, mẹ chịu cơ hàn

Vì con, mẹ chịu muôn vàn đắng cay

Nắng mưa, chai sạn bàn tay

Bão giông, để dáng hao gày, thân cong(1)

Mồ hôi mẹ đổ trên đồng

Yêu thương của mẹ, vun trồng nên con !

V V L Rút từ " Nắng từ tóc mẹ"

(Nhà xuất bản HNVVN 2013)

(1) Ôi dáng mẹ như dáng hình đất nước

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

ĐẠI HỘI NIỀM TIN

 












Thế là thỏa nỗi mong chờ

Quê tôi rực rỡ, đỏ cờ hồng tươi

Huyện mở Đại hội Đảng rồi

Niềm vui trên nét mặt người hân hoan

***

Bao ngày thấp thỏm, băn khoăn

Vỉa hè đồn đoán, luận bàn, đúng sai ?

Bởi tại Cô Vít 52(1)

Làm mờ danh Huyện, để ai cũng buồn

Xanh chàm(2), chẳng tỏa dấu son(3)

“Bài học kinh nghiệm”, để còn khoá sau

***

Vấp ngã, đứng dậy, sao đâu ?

“Tập trung dân chủ", cùng nhau giữ gìn(4)

Một đại hội của niềm tin

Đoàn kết, trí tuệ, tiến lên vững vàng !

Tiếp trang lịch sử huy hoàng

Hào quang lại sáng, vinh quang lại ngời(5) !

13/8/2020

(1) Cô vít19 và 52 tỉ nợ

(2) "Tiếc rằng tay đã nhúng chàm"( thơ ND)

(3) "Tỏa sáng hào quang những mốc son"... thơ cổng đá bị đục bỏ)

(4) Một nguyên tắc Tổ chức cơ bản, chống độc đoán, chuyên quyền, đảm bảo sức mạnh của Đảng!

(5)Phấn đấu đến 2025, Huyện là đơn vị dẫn đầu của Tỉnh

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

CÁCH CÁI KHÔNG CÒN!










Dư luận xử thế được gì ?

Nếu thiếu nhân cách, mấy khi họ buồn

Mà cách cái họ chẳng còn

Như bảo"Xong nhé”... ! Càng ngon hơn nhiều

Không trôi, mồi nhả khỏi diều(1)

“Khắc phục hậu quả”, là điều tất nhiên!

Kẻ ký, người nhận vay tiền

Quan hệ trên, dưới, anh em, chung thuyền

Sai luật! Xuất toán! Nhận liền !

Trả lúc hàng tỷ, hỏi tiền đâu ra ?

Chú nhận- anh trả rồi nha(2)

Hết vay, hết nợ... thế là chuyện yên

Cách to, cái nhỏ còn “Nguyên”

Cách giữa, “cái dưới, cái trêncòn cùng. 

Rút kinh, nghiệm bài học chung

Người sau nhìn đó, để  không dẫm vào

8/2020

(1)Diều, phần trên dạ dày, chứa thức ăn chưa tiêu hóa

(2) Người vay, người ký, thỏa thuận với nhau

MÙA VU LAN NHỚ MẸ























(Kính dâng hương hồn mẹ)
Tháng Bảy
Mùa Vu Lan
Nén tâm nhang báo hiếu
***
Nhớ thời lầm than 
Bát cơm chan mồ hôi mẹ ...
Sao ngày ấy con ngây ngô đến thế
Cái bụng đói ăn, ôm chân mẹ con đòi
Hạt lúa mẹ làm
Nhưng ăn chỉ sắn khoai
Thèm cơm trắng 
Thương con 
Tiếng thở dài nén lặng
 ***
Con lớn lên bằng trắng đêm mẹ thức 
Ánh đèn khuya lặng lẽ một mình
Vá áo cho con
Vá nhọc nhằn cơ cực
Để con vào đời với áo lành của mẹ trên lưng                
Bố sớm đi xa
Mẹ gánh đứt giữa chừng
Một mình nuôi con suốt đời lam lũ 
Còn con vô tư
Đêm đói ăn 
Nhay vú mẹ không rời...
Nuôi con thành người 
mẹ xương loãng, sữa khô 
Vun đắp cho con, như vun đắp cơ đồ
Dù khi con đã lớn khôn. 
Có việc làm, có vợ
Đêm về muộn
Mẹ chong đèn, đợi cửa
Bởi lòng mẹ già, con vẫn cứ trẻ thơ.                          
 ***                                   
Con có đâu ngờ
Một ngày kía, mẹ bỗng ra đi
Lặng lẽ, bình yên, không dặn lại gì
Mẹ thế đấy 
Sống yêu thương là vậy
Thanh thản về trời, như trái chín cây
***
Vu Lan này
Nén tâm nhang 
Con thành kính dâng người 
Hãy yên lòng, thanh thản nhé mẹ ơi
Tháng 7
Mùa vu lan

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

NGẪM NGHĨ KỶ HỢI

















"Nịnh nhau khắc biển đề thơ
Bỏ đâu bia đá bây giờ người ơi !"


Đất nước này dày đặc B.O.T
Nhan nhãn chùa chiền, đền phủ 
Tham nhũng, rửa tiền làm từ thiện !
Kẻ trọc phú, muốn thành văn nghệ sĩ
Túi rũng rĩnh
Già cập kè bồ nhí
Loạn chữ đến không ngờ
Đền, cổng, phủ, đề thơ
Khắc đá, khoe danh ngay cả chốn tôn thờ
Sự giàu có ngoi lên, nhờ hối lộ
"Ăn đủ thứ", nhũng nhương và đục khoét
Hoành tráng tiêu tiền, nợ công gánh hết
Ba đồng bán danh,(1)thiêu củi một giờ
Nghênh ngang,lộng hành, một mảnh trời riêng...
***
Cuộc chiến chống nội xâm "khi lò đã nóng lên" (2)
Đêm tan dần, ánh bình minh đã rạng
Diệt tham nhũng, tăng niềm tin Dân- Đảng
Hy vọng ngày mai trời lại sáng thêm
Nhưng cớ sao trên động... dưới vẫn yên ?
Trong quyết liệt, vẫn đó đây không chuyển
Bao bất công vẫn ngày, đêm hiển hiện
Nặng nỗi ưu phiền...
Nhẹ như bấc, niềm tin.
***
Kỷ Hợi này, đà đất nước đi lên
Tiếp nhiệt cho lò, củi dù to cũng cháy
Đạo lý nhân hòa, kỷ cương khơi dậy.
Để một Diên Hồng, đoàn kết, chung tay
Mong non sông này lại rạng rỡ từ đây...!
10/1 Kỷ Hợi
(1) Mua quan 3 vạn, bán danh 3 đồng
(2) Lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy( Lời TBT- CTN)