Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

CHÙA THIÊN PHÚC ĐỊNH HOÀ












...”Xã Định Hoà, Yên Định, Thanh Hoá nơi có Điện Thừa Hoa, thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao, thân mẫu vua Lê Thánh Tông, xưa goi là Đồng Phang, có tên nôm là kẻ Phấng, một làng Việt Cổ xuất hiện từ thời các Vua Hùng, cách nay trên dưới 2000 năm. Đến thời Trần dân cư phát triển đông đúc thành xã Đồng Phang, tổng Đông Lí thuộc huyện An Định, phủ Thiệu Thiên. Đây là vùng đất có thiên nhiên đẹp, phía trước có đỉnh Non Biên, phía sau có cồn Yên Ngựa, hai bên có cồn Bút cồn Nghiên...Thượng thư Hoàng Phúc nhà Minh cũng từng bàn về địa thế vùng này mạch đất Đồng Phang giống như bàn tay tiên, nhiều mạch nước chảy hợp lại, tám hướng gió không lay động, mạch nước từ Cữu Bao chảy qua trăm dặm, qua ruộng, đưa nước về kết huyệt ở áp sông thành đất Văn tinh..." 

Một chữ Văn tinh, đã thể hiện cho một vùng văn chương bậc nhất...Nơi đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt được tạo thành bởi con sông Cầu Chày và  nhánh sông Bồng Nga ! Đặc biệt dải Bồng Nga chạy vòng quanh trong xã, với 10 thôn sống dọc theo hai bên sông trông như vòng tay ôm kín mãnh đất này. Đó cũng chính là Long mạch của xã, địa mạch này khí rất thịnh, mang nhiều quý điệu.(Đuốc sáng ) nên con người hào phóng, mang hoả tính, hoả sắc, lời nói thổ lộ, thẳng thắn, đúng sai không chút lẫn lộn, cuộc đời người dân ở vùng này chỉ giữ điều nhân, chẵng có thâm độc ...  

Nơi đây chính là quê hương bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Đức vua Lê Thánh Tông, nơi thờ bà gọi là điện Thừa Hoa, thường gọi là Phủ Nhì linh thiêng nổi tiếng...Trong quần thể di tích gọi chung là Phủ Nhì, còn có ngôi chùa Thiên Phúc, ngôi chùa toạ trên khuôn viên cao thoáng mát phía trước là con sông Bồng Nga uốn khúc, phía đông là điện Thừa Hoa phía Tây là dòng Hón quanh năm nước chảy mát lành ...

Sau Cách mạng năm 1945 quần thể di tích điện Thừa Hoa và chùa Thiên Phúc bị phá huỷ hết, lấy chỗ làm cửa hàng Hợp tác xã Mua bán, trường Chức nghiệp (BTVH )và các công trình công cộng khác... theo phong trào lúc bấy giờ. Vì nhiều lí do, những người tham gia phá huỷ công trình Phủ Nhì và Chùa Thiên Phúc tình cờ trùng hợp, họ đều gặp những chuyện không hay hoặc thiếu may mắn trong cuộc sống, gây dư luận xôn xao... Nên các công trình công cộng kể cả Cửa hàng Mua bán, trường học v v ...được di chuyển đến địa điểm mới, trả lại mặt bằng cũ cho điện Thừa Hoa và Chùa Thiên Phúc. Riêng mấy cây cổ thụ không ai dám đốn vẫn còn lại đến ngày nay như cây me 784 tuổi, cây thị gần 800 tuổi... Những năm trước tưởng chết khô, từ ngày Chùa có Sư các cây đều xanh lại cành lá xum xuê đầy sức sống. Với đạo lí uống nước nhớ nguồn, con cháu họ Ngô cả nước cùng nhân dân trong xã và các mạnh thường quân đã góp công sức, tiền của tôn tạo lại khu điện Thừa Hoa  và chùa Thiên Phúc như hiện nay

Năm 2010 Phủ Nhì đã được công nhận là Di tích Quốc Gia. Thể theo nguyện vọng của tăng ni phật tử và đề nghị của các cấp chính quyền, ngày10 tháng 11 năm 2011, Giáo Hội Phật Giáo đã bổ nhiêm sư thầy Hoà làm trụ trì chùa Thiên Phúc, lần đầu tiên chùa đã có Sư trụ trì và đêm ngày ngan ngát khói hương, ngày rằm, mồng một và các ngày lễ, du khách thập phương tấp nập về lễ chùa ! Đặc biệt Hội Phủ Nhì, chính lễ diễn ra vào ngày 26/3 âm lịch hàng năm, thì từ ngày 8/3 (ngày giỗ cụ Ngô Từ ) khách thập phương đã về tụ hội ... Cao điểm là từ 21/3 đến ngày 27/3 âm lịch dòng người khắp nơi tấp nập về trẩy hội Phủ Nhì và cũng là đi lễ chùa Thiên Phúc trong niềm tri ân và thành kính sâu sắc

Nhân sự kiện này Vulau đã  tặng Sư thầy trụ trì bức lưu thơ chúc mừng và được sư thầy vui vẻ chấp nhận

CHÚC MỪNG SƯ THẦY HOÀ                     

Thầy về Thiên Phúc trụ trì 

Vâng lời Chư Phật cũng vì muôn dân

Từ bi, bác ái, nghĩa nhân

Tiếng kinh, tiếng kệ xua dần khổ đau

Dù ai đi đâu, về đâu 

Lời thầy chúc vẫn nhiệm màu bình an 

Mát dòng sông, ấm xóm làng

Chuông  chùa Thiên Phúc ngân vang đất trời

Mừng thầy xin có đôi lời

Mừng chùa Thiên Phúc được Người xứng danh !

         Thiên Phúc Định hòa        

               10/11/Kỉ Mão

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét