Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

AN TOÀN LÀ CÁI ƯỚC AO

 









Mười năm vọng phu trông ngóng

Mỏi mòn, tưởng chừng tuyệt vọng 

Vạn ngày tắc tị, đã thông 

Đợi chờ, má hồng phai nhạt

May sao, vẫn có được chồng 


Tốn kém, ừ thì tốn kém 

Lỡ duyên, thì đã lỡ duyên!

Đâm lao, đành theo lao vậy

Dẫu thấy bạc tốn, tiền hao 


“Kê cân”. Chuyện xưa Tào Tháo(1)

Nhằn khó… Dễ bỏ được đâu ?

Bồ hòn, ngọt, ngon nước sáo 

Méo mó… Có chẳng hơn sao?


Yêu, bảo “rồng lượn trên cao...”!

Thương, nói “biểu tượng tự hào…”!

Cay, ngọt… bấm lòng mà chịu

Dại, khôn, chẳng giống cái nào 


Cầu mong, dâu hiền, rể thảo 

Biển Đông, tát cạn chẳng bao(2)

Nợ nần, húp quanh bát cháo(3)

An toàn, là cái ước ao…

6/5/2021

(1) Kê cân, gân gà, ăn khó, bỏ tiếc 

(2) Thuận vợ thuận chồng, biển đông tát cạn 

(3) Cháo húp quanh, công nợ trả dần 

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

KHOAN SỨC DÂN

 










Một năm, huy động đã bao lần

Dồn dập, cái gì cũng chi ngân

Giản cách, nhà nhà đều vất vả 

Thất thu, Chính phủ, đến doanh nhân 

Huy động sức dân, điều cần lắm 

Yêu thương, đạo nghĩa…lọ xa, gần?

Chia sớt miền Nam, trong đại dịch 

Lá lành, đùm rách, thể thương thân 

Góp sức chung tay cùng chống dịch 

Đầy lùi cô vít, chẳng phân vân 

Khó khăn càng tỉnh, càng cân nhắc

Khoan làm? Làm gấp? Có làm không?

Quĩ cần cấp bách, thì phát động 

Không gấp, từ từ 

Khoan sức dân !

2/11/2021

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

HÃY VUI LÊN NÀO

 










Vui lên em ! 

Đừng buồn. Khi nhìn cảnh bà con

Vùng rốn lũ miền Trung. Sau lũ lụt hãi hùng, tay trắng

Em mang gạo muối, áo quần... Mang tình sâu nghĩa nặng

Về Hà Tỉnh quê hương 

Nơi em yêu thương bằng cả trái tim mình

***

Anh biết em suy tư gì

Giữa nơi bùn lầy nước đọng ?

Không vui nổi 

Dù tâm em trong sáng (1)

Không cười nổi

Dù xưa nay em sôi động

Nhưng nào 

Hãy cứ cười lên

Cho bà con vui 

Khi ngập lụt qua rồi 

Lại có em bên

Niềm vui sẽ đến

Và cho em quên đi

Mỏi mệt đường xa tình cảm được đáp đền

***

Em cùng đoàn đi cả ngày đêm

Đã về đến quê mình 

Một hạt muối nghĩa tình 

Chia sớt đói nghèo

Mang theo tấm lòng

Sưởi ấm lửa thương yêu

30/10/2016

(1)Minh Tâm tâm trong sáng

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

MÙA ĐÔNG ĐANG VỀ

 












Mới dừng giãn cách Cô vi 

Phắn ngay một vé, bà đi Hà thành

An toàn và muốn cho nhanh 

Chơi phát 4 chỗ, giá đành 4 trăm !

Để phòng, vững dạ, yên tâm

Khẩu trang bịt miệng, khép thân, thu hình 

Đường xưa, nay mới lập trình 

Nhà xe chở đến Mỹ Đình, rồi ngơ ! 

Alo, con bảo ngồi chờ 

Muốn nhanh, thì gọi Sịp po mà về…

Thế là bà đã xa quê 

Xum vầy của ngoại, đam mê thỏa lòng 

***

Quê nhà còn lại mình ông 

Nhìn trời lẩm bẩm…”Mùa đông đang về”! 

26/10/2021

HIẾU - HIẾU HỌC VÀ KHUYẾN HỌC









Chữ "Hiếu"và ý nghĩa của chữ "Hiếu"đối với người Việt Nam rất quan trọng và thiêng liêng. Nó là nền tảng của đạo đức, xác định nhân cách, phẩm giá và biểu hiện đạo lí làm người.

Người có hiếu được mọi người kính trọng tôn vinh. Kẻ bất hiếu, bị người đời gọi là kẻ vô học, bị coi khinh không bằng kẻ trộm cắp.

Trong nho giáo, hiếu là Nhân- Nghĩa- Lễ-Trí-Tín, đức tính đặc biệt này, chi phối đến nền tảng đạo hiếu của người Việt ta. Nó được thể hiện cụ thể bằng thái độ biết ơn, quí trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người trên… Yêu lẽ phải, ghét thói gian tà. Sống nhân nghĩa, yêu thương, biết ơn và sẵn sàng chịu khổ, chịu thiệt thòi., kể cả chấp nhận hy sinh, để trả ơn người đã giúp đỡ, cưu mang mình. Sống có trí tuệ, biết phải, trái, kính trên, nhường dưới, thuỷ chung, có trước có sau …Đó là Hiếu vậy.

Cho nên, ông bà, cha mẹ ta thường dạy, sống trên đời phải có hiếu, đừng vô đạo đức, bất nhân, bất nghĩa.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, hiếu đối với cán bộ, Đảng viên còn được thể hiện ở trung với nước, hiếu với dân. Cần kiệm liêm chính, không tham nhũng, hách dịch với dân. Tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy, cán bộ Đảng viên phải học, tự giác học, học cả đời, đừng bao giờ cho mình giỏi hơn người!

Chữ Hiếu trong cuộc đời mỗi người là vậy. Nhưng hiếu đó, không bỗng dưng mà có, nó được hình thành từ sự giáo dục, truyền thống gia đình, đạo đức xã hội và trong sự học hành. Học điều tốt, điều hay, học ở sách vở, học ở cuộc đời. Đọc sách phải theo đòi nghĩa sách,  Chăm học để có trí tuệ, hiểu cái hay, cái đẹp, cái tốt để luyện rèn đạo hiếu. “Nhân bất học bất tri lí”. Kẻ vô học, tính cách bất thường, nói năng, cư xử, hành vi như phường lục lâm thảo khấu! 

Nhưng ngược lại, có kẻ có học mà giá áo, túi cơm. Học có bằng cao, mà văn hoá, nhân cách lại thấp hèn. Cá biệt có hạng người dùng tiền mua bằng, kể cả dùng bằng giả. Học kiểu đánh trống ghi tên. Học từ xa, nộp học phí là chủ yếu, miễn sao có tấm bằng cốt để loè người và đánh bóng mình, nhằm chui sâu leo cao. Loại người này họ chỉ biết tiền và bản thân mình. Với bố mẹ thì bất hiếu, với vợ con thì bất nhân, với đồng nghiệp thì bất nghĩa, với nhân dân bất tín, với người cưu mang thì vô ơn…

 Bởi vậy, dân tộc ta xem sự học là trách nhiệm, là thiêng liêng, là tự giác. Bậc làm bố mẹ, mong ước trên đời là con cháu được đi học và học thành tài, học để biết làm người. Do đó, học còn có nghĩa phải tôn trọng, noi theo gương tốt, gương người có tài, có đức, học đi đôi với hành và phải biết chọn thầy mà học, chọn bạn mà chơi. Học chính là biểu hiện ý chí tu thân, tích đức, luyện rèn đạo hiếu, cái gốc của đạo lý làm người. Điều đó còn thể hiện thái độ kiên trì, sáng tạo, khắc phục hoàn cảnh khó khăn để học tập tiến bộ và cuộc đời là sự học không ngừng.

Như vậy Hiếu và Hiếu học là bản sắc văn hoá, là những giá trị đạo đức của tinh hoa Việt, cần được gìn giữ và phát huy. 

Còn Khuyến Học, chính là khuyến khích việc học, sự học, bằng rất nhiều hình thức : 

-Nhà nước quan tâm, ưu tiên dành kinh phí đầu tư, đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục. 

- Người thầy được quý trọng, truyền thống hiếu học được phát huy. Nhiều gương sáng vượt khó trong học tập được tuyên dương. Người học giỏi, đỗ đạt cao được chế độ trọng dụng.

- Xã hội tôn vinh, quý trọng người thầy mẫu mực, các cá nhân chăm học, chăm làm, vượt khó để học thành tài. 

Ngay từ xa xưa, các bậc hiền tài được coi là nguyên khí quốc gia. Người học giỏi, đỗ đạt cao, được bổ nhiệm chức danh cao quý. Người có công trong sự nghiệp khuyến học được tôn vinh. Khi về với ông bà tổ tiên được xây lăng, tạc bia, sử sách lưu truyền.

Ngày nay, truyền thống quý báu ấy được chọn lọc giữ gìn, phát huy, và được xã hội hóa ở tầm cao hơn. 

-Đảng và nhà nước quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, là quốc sách hàng đầu. Đầu tư nhiều kinh phí cho đào tạo giáo viên, cho xây dựng trường lớp, thiết bị giảng dạy, cơ sở hạ tầng cho giáo dục. Coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.

Công tác giảng dạy, nội dung học tập được đổi mới, học văn hóa gắn với rèn luyện đạo đức, nhân cách. Hình thức thi cử được cải tiến. Các tiêu cực trong ngành từng bước được khắc phục. Nền giáo dục nước nhà từng bước đang được chấn hưng… Trong đó có cả lĩnh vực Khuyến học.

Các địa phương, trường lớp được quan tâm. Các địa phương, cơ quan đều có Hội khuyến học. Hội đã hoạt động tích cực, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Đó là những điều đáng mừng. Nhưng trong đó cũng nổi lên những hạn chế: 

- Giáo dục có lúc còn bị xem nhẹ. Sự kết hợp giữa dạy văn hóa, chuyên môn với giáo dục đạo đức nhân cách chưa tốt. 

- Chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế. Đạo lý, kỷ cương thầy, trò còn vi phạm

- Tổ chức thi cử, hình thức thi cử còn nhiều lúng túng. Nội dung sách giáo khoa còn nhiều bất cập 

- Công tác cán bộ quản lý giáo dục nói chung và cán bộ Hội khuyến học chưa tốt. Chánh, phó chủ tịch Hội, chủ yếu do các vị lãnh đạo về hưu đảm nhiệm mà không phải là các thầy cô giáo hoăc giáo chức về hưu. Bên cạnh những cán bộ tâm huyết, có năng lực, kinh nghiệm, còn có cán bộ uy tín trước cộng đồng thấp. Gia đình thiếu mẫu mực, nhiều dị nghị trong cuộc sống, nhân dân thiếu niềm tin 

-Quản lý quỹ hội còn nhiều lơi lỏng, không rõ cấp chủ quản. Có tình trạng dựa uy, mượn danh đi xin kinh phí và tùy tiện trong xử dụng chi tiêu, gây dị nghị trong nội bộ, nhưng chậm phát hiện và xử lý 

Một số tổ chức hội khuyến học, hoạt động kém hiệu quả. Ở Chi hội, Trưởng chi hội chủ yếu do Trưởng thôn kiêm nhiệm. Nhiệm vụ chính là thu kinh phí."Quĩ khuyến học thu được nhiều hay ít, là thuớc đo để trên đánh giá Hội đó mạnh hay yếu”!

- Hội đang hành chính hóa trong hoạt động. Không trực tiếp đi vận động, tuyên truyền,  Có nơi, quĩ khuyến học, định khoản thu theo đầu sào ruộng (đối với dân làm nông nghiệp) và một ngày luơng đối với người huởng lương, thu qua bộ máy công quyền. Trong khi việc đóng góp cho Khuyến học là sự tình nguyện của nhân dân. Gọi là vận động mà còn yêu sách "ít nhất phải từ 20 ngàn đồng hay1ngày lương trở lên"... Tạo nên sự không đồng tình và bức xúc trong nhân dân. 

Những việc đó, cùng những biểu hiện chưa chuẩn mực ở một số ít cơ sở, đã để nhân dân nhìn HKH với con mắt không thiện cảm, làm xấu đi hình ảnh của Khuyến học, xưa nay vốn trong sáng. 

Mong rằng, các cấp các ngành có trách nhiệm và Hội khuyến học cần nhanh chóng xem xét, điều chỉnh, để khuyến học phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, là niềm vui tự nguyện, chứ không là gánh nặng của nhân dân . 

19/7/2013



Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

LÀM QUAN XIN CHỚ ĐUA ĐÒI

 















Thể thao, trong đó có cả gôn

Doanh nghiệp, thị thành, đến xóm thôn 

Ai chơi cũng được, tuỳ sở thích 

Quan sao cho hợp, thế mới Gôn

***

Ten nít nợ nần… Giờ lại gôn

Cũ vợ, khoái dì, lạ cái hôn!

Sân nhà áo, vợt… tiêu tiền thuế 

Hàm Long, xe, gậy… nóng cả trôn (1)

Thấy quan thầy có, nôn nao dạ

Đua đòi của lạ, thích chơi gôn ?

Tiết kiệm, luyện rèn không tới chốn

Huyếnh thành tiêu cực, mất cả khôn! 

7/ 2017

(1) Hàm Long, Hàm Rồng, đi xa, ngồi nóng cả đít


XỒM ƠI ! TẠM BIỆT !

 















Ta về phố đây! Mày ở nhà

Nghĩa tình vẫn thế, dẫu cách xa

Thủy chung, vốn dĩ xưa nay vậy

Thay thầy đổi chủ, mặc người ta.

Ngoan nhé, tuần sau về gặp lại

Niềm vui xôm tụ gấp đôi, ba

Chỉ nhắc: thời này toàn lừa đảo 

Cảnh giác, xin đừng nhẹ dạ, nha !

13/10/218

TÌNH QUÊ THANH HOÁ

 














Xanh biếc bầu trời quê hương . 

Sừng sững núi Nuông, núi Đọ...

Một vùng yên bình Sông Mã

Bến, bờ vọng tiếng dô ta. 

Nhớ thuở hàn vi rau má.

Người Thanh vẫn cứ hào hoa . 

                * * *

Sông có khi bồi, khi lở

Tình yêu neo đậu chẵng trôi

Sắt son lòng người Thanh Hoá

Như sông chỉ một dòng xuôi

Gian nan lòng càng gắn bó

Với sông, với đất với trời

       * * *

Đông Sơn trống đồng còn dội

Non Đọ còn đó chiếc nôi. 

Đồng Cổ, Lam Kinh soi dọi

Ân tình lan toả muôn nơi

Nghĩa tình, thuỷ chung son sắt. 

Như sông, xuôi một dòng thôi.

Xứ Thanh- Con người- Tính cách .

Tin ai, tin đến trọn đời...

14/6/2013


THỊ TRẤN QUÊ CHUNG

 







Yên bình, như mọi miền quê

Sôi động, khi Huyện chuyển về nơi đây

Xóm thôn, đổi mới từng ngày

Lịch sử, truyền thống, đất này đâu quên:

Ngọc Sơn, Châu Bối, Lý Yên

Thiết Đinh, Thành Phú mà nên Định Tường

Giờ cùng Tân Ngữ yêu thương 

Xây dựng Thị trấn, phố phường văn minh 

Đất này nhân kiệt, địa linh

Quy mô mở rộng, vươn mình bay xa

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà 

Làng đô thị hoá, năm qua tạo đà

Nức lòng bè bạn gần xa

Quán Lào, thị trấn quê ta anh hùng! 

10/2021


BI AI ĐẠI DỊCH CÔ VÍT









Thành phố những ngày dài 

Dịch Covi, cách ly xã hội 

Đường phố vắng 

Tê tái lòng người, đau trong im lặng 

Xe hỏa táng

Còi hụ vang.

Tiếng nấc, nghẹn lòng cay đắng 

Dẫu biết rằng

chiến thắng nào chẳng có hy sinh 

***

Những xe chở quan tài rùng mình

Nhắm phía lò thiêu thẳng hướng 

Mây trắng tha hương 

Kéo theo đau thương trãi đến tận cùng 

Kẻ về với tổ tiên 

Đôi mắt lạc trong ngơ ngác

Người thân đau lòng 

Lệ nuốt vào trong

Nơi xa cúi đầu bái vọng 

Đau không nói nổi thành lời 

Những linh hồn về nơi chín suối 

Ngậm ngùi

Trong nỗi cô đơn

***

Mong sớm bình yên 

Một lễ cầu siêu tháng 7

Siêu thoát tất cả linh hồn về nơi cát bụi 

Cho nỗi buồn trần thế sớm ngoai nguôi…

30/6 Tân Sửu



Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

LẤY THỊT LẤN NGƯỜI. MANG DANH MẠNH MÀ CHƠI BẨN THẾ!

 











Từ một đội bóng vui thể thao sân nhà. Có tiệc thì vui cùng hàng xóm… Đến ra chơi xã còn bị coi thường. Nay, có thầy Păc dẫn dắt, đã nên tên tuổi, mở mày mở mặt, chơi bình đẳng với thiên hạ. Đó đã là sự tiến bộ vượt bậc, khối kẻ bất ngờ rồi ghen tị…. Tương lai sau nay thế nào là một chuyện khác. Như giờ đây đã là sự trưởng thành, ra biển xanh, tập tành cọ xát. Nào ai đã tham vọng dành chức nọ chức kia, muốn làm bố thiên hạ trong Voncup này đâu, mà ối kẻ sợ !

Người nhà đừng nóng ruột, xin đừng chê bai. Đối thủ ngang cơ xin đừng ngại… 

Nhưng tự hào trên cơ mà chơi thế này cùng với trọng tài soi, Var cũng hỏng thì chả đáng ./.

HAY GÌ MÀ KHOE

 














Gặp là chê béo, khoe gày

Khoe cân, khoe lạng, khoe dày tóc, lông

Khoe nào mới uống rượu xong

Một chai đánh gọn, mà không đã đời

Khoe còn những mấy nơi mời

Mai đám đầy cữ, kia thời thôi nôi..

Được mỗi nết, rượu mềm môi

“Rồng leo khi nói...(1)“, làm thời chẳng hay

Khoe gì nết rượu không say

Uống nhiều hại lắm... xưa nay thế rồi

22/12/2018

(1) Nói như rồng leo

Làm như mèo mửa

KHÓC MA MƯỚN










Dân gian có câu”khóc như khóc ma mướn”. Ấy là câu ám chỉ những hành vi hời hợt, không thực lòng, kiểu “nói vậy mà không phải vậy, nói rứa mà không phải rứa! Làm một đằng, tâm một nẻo“. Nhưng trong xã hội, đối với một số người, nó là cái nghề kiếm sống vậy 

Khóc mướn có từ xưa. Tuy mai một theo năm tháng, nhưng đến ngày nay, việc khóc mướn, đôi nơi ở xứ ta vẫn còn, như một nghề đặc thù, được cơ cấu, biên chế trong phường bát âm, chuyên phục vụ nơi đám hiếu. Tuy không trường lớp đào tạo, không bằng cấp, nhưng có ”chuyên môn khóc giỏi”, nên chẳng phải đầu tư kèn, thổi toe toe. Khỏi đầu tư trống, gõ bong bong, khỏi sắm nhị, kéo ỉ eo. Chỉ cần “vốn tự có”là cái miệng rộng, cổ họng âm phát to. Cái đầu vô cảm, nhưng thuộc làu mấy câu ca buồn, cứ thế réo lên là đủ. Tuy chỉ tay không bắt giặc, mà cơm rượu đề huề, thu nhập lại cao ra phết. 

Việc khóc mướn, thường được dùng trong các trường hợp gia đình có người thăng thiên, nhưng hoàn cảnh neo đơn, lo tang lễ chưa xong, lấy đâu nhân sự ngồi khóc! Mà chả lẽ đám ma lại không khóc, hay chỉ có vài giọng khóc lẻ loi? Họ cần có tiếng khóc hỗ trợ, nâng đỡ cho gia chủ, cho thêm phần mùi mẫn, bi ai ! Thế là họ thuê khóc mướn. 

Nhưng cũng có trường hợp, cha mẹ mất, con cháu đông, anh em nhiều, mà lạ thay, đùn đẩy nhau khóc và…không ai khóc! Thế là xì tiền, họ thuê khóc và thế là khóc mướn có dịp lên đời. Tát nước theo mưa, cứ thế réo “ông hôi, bà hôi” trong bản trường ca không rơi lệ. Thế mà vừa nghỉ lấy hơi, nghe tiếng tiền rơi, kịp thời lại khóc tiếp. Khóc mà mặt tỉnh bơ, mắt khô, ráo hoảnh. 

Song! Dù trong hoàn cảnh nào, khóc mướn cũng được thuê và trả công. Riêng trong đại dịch Cô vít, với hơn 2 vạn người ra đi, trong cách ly, trong cô đơn, buồn tủi, sợ hãi vắng bóng người thân. Dù có tiếc thương, cũng đành nhỏ lệ, ở nơi xa bái vọng. Chả thuê ai, mà cũng chẳng ai thuê khóc mướn và thấy thiên hạ cũng im. Thật đáng thương thay.

Cứ như trường hợp một ca sĩ nọ, ra đi vì cô vít. Sự tiếc thương một con người, ai mà chẳng có, khi nghĩa tử, nghĩa tận. Huống chi, đây là một nghệ sĩ tài hoa, có trái tim nhân hậu. Nhưng đang dịch Cô vít, nào ai dám tổ chức tang lễ để mà khóc và thuê khóc mướn. Đành trong cái chung mà thôi.

Thế nhưng bỗng lòi ở đâu ra, một số người không ai thuê, chẳng biết có vô tư không, nhưng thấy ào vô khóc mướn. Rồi hổ, báo, nơi vườn gần, rừng xa, lá cải lá ngón… lao vào la khóc rầm rầm, tha ra đủ thứ, thượng vàng, hạ cám của người ta. Quên cả việc nhà, mà lo ma hàng xóm. Quả là thương tâm thật!

12/10/2021

GỬI TRỌN NIỀM TIN

 













"Anh ở trong này chưa thấy mùa đông.”(1)

Nắng tháng sáu, cả ba miền nóng bỏng

Dịch cô vít, lây lan diện rộng 

Cái nóng càng như thiêu đốt

Lửa trong tim !


Chia sớt nỗi niềm, anh gửi về em

Thành phố Hồ Chí Minh, đang gồng mình chống dịch

Ngày chiến thắng, niềm tin gần tới đích 

Khi cả nước bên em, tiếp sức đêm ngày 


Tháng sáu này,”nắng cháy đỏ bàn tay…”

Thành phố năng động, giờ “ở đâu yên đấy…”

Giản cách xã hội, dù khó khăn đến mấy 

Đoàn kết, chung tay, ngăn chặn đại dịch này 


Ngóng tin sáng, trông tin chiều…

Lòng như lửa cháy 

Ngơ ngẫn vào ra 

Gửi người trong ấy 

Của ít, tình nhiều 

Lành, rách, gói yêu thương

***

“Nhiễu điều, xin phủ lấy giá gương…”

Doanh nghiệp, cơ quan

Đến từng địa phương, đường phố, từng nhà…

Gửi trọn niềm tin qua những gói quà

Hoạn nạn sớt chia

Rách, lành đùm lá

Mong dịch chóng qua

Bình an cho tất cả mọi nhà…

***

Chẳng “gửi nắng cho em”, giữa nóng ngày dịch dã

Anh gói yêu thương, dịu dàng và tất cả

Nhờ gió phương Nam 

Đem tấm lòng người phương Bắc

Thổi mát lòng, dịu cái nóng nơi xa ..!

22/7/2021

(1) NS Phạm Tuyên”Gửi nắng cho em”


VỀ NHÀ QUẶN NHỚ MẸ TA








Bao năm mưu sống nơi xa 

Quê hương mới trở lại nhà Xuân nay

Trào dâng nỗi nhớ vơi đầy 

Càng thương nhớ mẹ tháng ngày nơi đây 

***

Mẹ ta vóc hạc, hao gầy 

Gian lao đọng lại, bàn tay chai sần

Ruộng đồng, níu lệch đôi chân

Nắng mưa, bạc phếch áo quần đen thâm

Thương con phiêu bạt xa gần 

Mắt mờ, bởi lệ bao lần đẫm khăn

Chiều chiều đăm đắm ngõ sân

Lặng yên, đơn bóng, âm thầm chờ con

Nhớ thương, lòng mẹ héo mòn 

Đợi chờ, khắc khoải, thân còm, xác ve 

Phòng đơn, giường mẹ chiếu tre

Bao đêm trằn trọc, tái tê nỗi sầu 

Tường vôi, vương đỏ cốt trầu 

Đêm nhai nỗi nhớ, ngày đau nguyên còn 

Cả đời, chưa được miếng ngon 

Chỉ quen khoai, sắn, chuối non góc vườn 

Tảo tần, gom nhặt yêu thương 

Khổ lao mẹ nhận, sướng nhường phần con…

***

Chốn xưa đầy ắp vui buồn 

Cúi đầu, thắp một nén hương dâng người 

Hãy yên lòng nhé, mẹ ơi !

Trong con có mẹ, cả đời không quên!

10/10/2021

(Viết trong nỗi nhớ khôn nguôi)

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

ĐỎNG ĐẢNH THÁNG BA




Tháng ba 

Đỏng đảnh

Cứ như thời con gái

Heo may dỗi hờn

Chiều gió lạnh từng cơn

Chiếc lá vàng trút nỗi sầu li biệt  

Để lại trên cành nhu nhú những chồi non 

Tháng ba rồi

Tím biếc những hoa xoan

Nắng ửng đỏ, má đào ai phơi phới

Nghe nôn nao trống làng mở hội

Hạ cựa mình

Vạn vật đã sinh sôi

***

Đỏng đảnh tháng ba

Đang nắng

Bỗng mây dăng đầy, gió nổi

Đêm có mưa rơi

Giao mùa cả đất trời

***

Nghe rộn rã ao đầu hồi, tiếng cóc

Cặm cụi dệt. Thương nàng Bân khó nhọc 

May áo cho chồng, kịp cái rét cuối đông !

23/2/2017

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

CHÁU ĐỪNG CÓ HỎI

 

















Thôi cháu ơi ! Xin đừng hỏi nữa

Ông mệt mỏi rồi

Cháu cứ hỏi không thôi ? 

Nào họ là ai? Họ đến nước ta chơi

Sao phải tung hô, bao người đưa đón?

Họ là những vĩ nhân, hàm ghi công lớn

Hay kẻ cuồng ngông, ôm mộng bá vương ?

Sao cứ hân hoan, chiều họ đủ đường ?

***

Cháu nhớ hồi xưa ông kể chuyện chiến trường

Chuyện quân Mỹ, Đại Hàn ...Bạo tàn, xâm lược

Chúng chia cắt hai miền đất nước

Hai mươi mốt năm trời biết mấy máu xương

Và cái nước kia...thể chế chẵng bình thường 

...

Thương ông ! 

Xin đừng hỏi nữa cháu ơi! 

Ông mệt lắm rồi không nói được

Trò kẻ bá quyền và người ngỗ ngược 

Như Bá Kiến, Chí Phèo kia thuở trước

Chúng muốn làm người lương thiện - thế thôi ...

28/2/219