Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

HIẾU - HIẾU HỌC VÀ KHUYẾN HỌC









Chữ "Hiếu"và ý nghĩa của chữ "Hiếu"đối với người Việt Nam rất quan trọng và thiêng liêng. Nó là nền tảng của đạo đức, xác định nhân cách, phẩm giá và biểu hiện đạo lí làm người.

Người có hiếu được mọi người kính trọng tôn vinh. Kẻ bất hiếu, bị người đời gọi là kẻ vô học, bị coi khinh không bằng kẻ trộm cắp.

Trong nho giáo, hiếu là Nhân- Nghĩa- Lễ-Trí-Tín, đức tính đặc biệt này, chi phối đến nền tảng đạo hiếu của người Việt ta. Nó được thể hiện cụ thể bằng thái độ biết ơn, quí trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người trên… Yêu lẽ phải, ghét thói gian tà. Sống nhân nghĩa, yêu thương, biết ơn và sẵn sàng chịu khổ, chịu thiệt thòi., kể cả chấp nhận hy sinh, để trả ơn người đã giúp đỡ, cưu mang mình. Sống có trí tuệ, biết phải, trái, kính trên, nhường dưới, thuỷ chung, có trước có sau …Đó là Hiếu vậy.

Cho nên, ông bà, cha mẹ ta thường dạy, sống trên đời phải có hiếu, đừng vô đạo đức, bất nhân, bất nghĩa.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, hiếu đối với cán bộ, Đảng viên còn được thể hiện ở trung với nước, hiếu với dân. Cần kiệm liêm chính, không tham nhũng, hách dịch với dân. Tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy, cán bộ Đảng viên phải học, tự giác học, học cả đời, đừng bao giờ cho mình giỏi hơn người!

Chữ Hiếu trong cuộc đời mỗi người là vậy. Nhưng hiếu đó, không bỗng dưng mà có, nó được hình thành từ sự giáo dục, truyền thống gia đình, đạo đức xã hội và trong sự học hành. Học điều tốt, điều hay, học ở sách vở, học ở cuộc đời. Đọc sách phải theo đòi nghĩa sách,  Chăm học để có trí tuệ, hiểu cái hay, cái đẹp, cái tốt để luyện rèn đạo hiếu. “Nhân bất học bất tri lí”. Kẻ vô học, tính cách bất thường, nói năng, cư xử, hành vi như phường lục lâm thảo khấu! 

Nhưng ngược lại, có kẻ có học mà giá áo, túi cơm. Học có bằng cao, mà văn hoá, nhân cách lại thấp hèn. Cá biệt có hạng người dùng tiền mua bằng, kể cả dùng bằng giả. Học kiểu đánh trống ghi tên. Học từ xa, nộp học phí là chủ yếu, miễn sao có tấm bằng cốt để loè người và đánh bóng mình, nhằm chui sâu leo cao. Loại người này họ chỉ biết tiền và bản thân mình. Với bố mẹ thì bất hiếu, với vợ con thì bất nhân, với đồng nghiệp thì bất nghĩa, với nhân dân bất tín, với người cưu mang thì vô ơn…

 Bởi vậy, dân tộc ta xem sự học là trách nhiệm, là thiêng liêng, là tự giác. Bậc làm bố mẹ, mong ước trên đời là con cháu được đi học và học thành tài, học để biết làm người. Do đó, học còn có nghĩa phải tôn trọng, noi theo gương tốt, gương người có tài, có đức, học đi đôi với hành và phải biết chọn thầy mà học, chọn bạn mà chơi. Học chính là biểu hiện ý chí tu thân, tích đức, luyện rèn đạo hiếu, cái gốc của đạo lý làm người. Điều đó còn thể hiện thái độ kiên trì, sáng tạo, khắc phục hoàn cảnh khó khăn để học tập tiến bộ và cuộc đời là sự học không ngừng.

Như vậy Hiếu và Hiếu học là bản sắc văn hoá, là những giá trị đạo đức của tinh hoa Việt, cần được gìn giữ và phát huy. 

Còn Khuyến Học, chính là khuyến khích việc học, sự học, bằng rất nhiều hình thức : 

-Nhà nước quan tâm, ưu tiên dành kinh phí đầu tư, đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục. 

- Người thầy được quý trọng, truyền thống hiếu học được phát huy. Nhiều gương sáng vượt khó trong học tập được tuyên dương. Người học giỏi, đỗ đạt cao được chế độ trọng dụng.

- Xã hội tôn vinh, quý trọng người thầy mẫu mực, các cá nhân chăm học, chăm làm, vượt khó để học thành tài. 

Ngay từ xa xưa, các bậc hiền tài được coi là nguyên khí quốc gia. Người học giỏi, đỗ đạt cao, được bổ nhiệm chức danh cao quý. Người có công trong sự nghiệp khuyến học được tôn vinh. Khi về với ông bà tổ tiên được xây lăng, tạc bia, sử sách lưu truyền.

Ngày nay, truyền thống quý báu ấy được chọn lọc giữ gìn, phát huy, và được xã hội hóa ở tầm cao hơn. 

-Đảng và nhà nước quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, là quốc sách hàng đầu. Đầu tư nhiều kinh phí cho đào tạo giáo viên, cho xây dựng trường lớp, thiết bị giảng dạy, cơ sở hạ tầng cho giáo dục. Coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.

Công tác giảng dạy, nội dung học tập được đổi mới, học văn hóa gắn với rèn luyện đạo đức, nhân cách. Hình thức thi cử được cải tiến. Các tiêu cực trong ngành từng bước được khắc phục. Nền giáo dục nước nhà từng bước đang được chấn hưng… Trong đó có cả lĩnh vực Khuyến học.

Các địa phương, trường lớp được quan tâm. Các địa phương, cơ quan đều có Hội khuyến học. Hội đã hoạt động tích cực, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Đó là những điều đáng mừng. Nhưng trong đó cũng nổi lên những hạn chế: 

- Giáo dục có lúc còn bị xem nhẹ. Sự kết hợp giữa dạy văn hóa, chuyên môn với giáo dục đạo đức nhân cách chưa tốt. 

- Chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế. Đạo lý, kỷ cương thầy, trò còn vi phạm

- Tổ chức thi cử, hình thức thi cử còn nhiều lúng túng. Nội dung sách giáo khoa còn nhiều bất cập 

- Công tác cán bộ quản lý giáo dục nói chung và cán bộ Hội khuyến học chưa tốt. Chánh, phó chủ tịch Hội, chủ yếu do các vị lãnh đạo về hưu đảm nhiệm mà không phải là các thầy cô giáo hoăc giáo chức về hưu. Bên cạnh những cán bộ tâm huyết, có năng lực, kinh nghiệm, còn có cán bộ uy tín trước cộng đồng thấp. Gia đình thiếu mẫu mực, nhiều dị nghị trong cuộc sống, nhân dân thiếu niềm tin 

-Quản lý quỹ hội còn nhiều lơi lỏng, không rõ cấp chủ quản. Có tình trạng dựa uy, mượn danh đi xin kinh phí và tùy tiện trong xử dụng chi tiêu, gây dị nghị trong nội bộ, nhưng chậm phát hiện và xử lý 

Một số tổ chức hội khuyến học, hoạt động kém hiệu quả. Ở Chi hội, Trưởng chi hội chủ yếu do Trưởng thôn kiêm nhiệm. Nhiệm vụ chính là thu kinh phí."Quĩ khuyến học thu được nhiều hay ít, là thuớc đo để trên đánh giá Hội đó mạnh hay yếu”!

- Hội đang hành chính hóa trong hoạt động. Không trực tiếp đi vận động, tuyên truyền,  Có nơi, quĩ khuyến học, định khoản thu theo đầu sào ruộng (đối với dân làm nông nghiệp) và một ngày luơng đối với người huởng lương, thu qua bộ máy công quyền. Trong khi việc đóng góp cho Khuyến học là sự tình nguyện của nhân dân. Gọi là vận động mà còn yêu sách "ít nhất phải từ 20 ngàn đồng hay1ngày lương trở lên"... Tạo nên sự không đồng tình và bức xúc trong nhân dân. 

Những việc đó, cùng những biểu hiện chưa chuẩn mực ở một số ít cơ sở, đã để nhân dân nhìn HKH với con mắt không thiện cảm, làm xấu đi hình ảnh của Khuyến học, xưa nay vốn trong sáng. 

Mong rằng, các cấp các ngành có trách nhiệm và Hội khuyến học cần nhanh chóng xem xét, điều chỉnh, để khuyến học phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, là niềm vui tự nguyện, chứ không là gánh nặng của nhân dân . 

19/7/2013



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét