Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

SỰ TÍCH CHÚA CHỔM Và tên phố Cấm Chỉ!











(Truyện cổ tân trang )


Vào thời nhà Lê. Mạc Đăng Dung muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết tin đó, nhưng thế lực của Mạc rất lớn, bè đảng lại đông nên không làm gì được. Cuối cùng nhà vua phải trốn đi, nhưng bị Mạc Đăng Dung bắt đem giam lại.
Hồi ấy, có cô hàng rượu vẫn thường gánh rượu đến bán cho lính canh ngục và biết vua đang bị giam. Một hôm, cô hàng cất một mẻ rượu rất ngon, pha thuốc mê, đem đến chuốc cho quân canh. Chờ cho họ say nằm gục xuống, nàng vào tình tự với vua. Sau đó nàng có thai. Biết không thoát khỏi bàn tay tàn bạo của họ Mạc. Nhà vua bèn giao ấn ngọc lại cho nàng và nói:
- Nàng hãy giữ vật này làm tin, nếu sau này đẻ con trai, sẽ có ngày nó phục thù cho cha.
Không bao lâu, nhà vua bị họ Mạc giết chết. Nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê, làm vua nước Đại Việt. 
Đủ ngày đủ tháng, cô hàng rượu sinh được một người con trai, đặt tên là Chổm.
Hàng ngày, Chổm đi kiếm củi hoặc làm thuê làm mướn nuôi mẹ. Những lúc bụng đói, Chổm thường vào ăn cơm hay mua thức ăn ở các quán cơm. Hàng nào được Chổm vào ăn là hôm đó bán rất đắt hàng. Còn các hàng khác chỉ ngồi xua ruồi, nên hàng nào cũng muốn mời Chổm vào ăn, dù ăn chịu cũng được. Hồi ấy có phong trào ai không đi lính triều đình thì xin“đi chơi tại chức”, vì có việc làm đâu? Thế là Chổm đi chơi tại chức và có bằng đàng hoàng. 
Rồi họ còn bố trí Chổm làm “thủ lĩnh phong trào- Một kiểu người chuyên “ăn theo, nói leo”. 
Dù có cái danh“ông Cử tại chức ”, từ cái hồi xã hội chưa có phân đạm. Trình độ chỉ vậy. Song, khôn ranh, cái gì biết thì Chổm cao giọng, nếu không biết thì Chổm nói lí nhí như rít răng. Người nghe, dù lắng tai cũng còn không rõ tiếng. Chỉ riêng khoản ăn uống, tiệc tùng hoành tráng, thì Chổm thành thạo, miễn chê, vừa ăn vừa phát ra tiếng chép chép như heo uống nước gạo. Nhất là việc dùng ngân khố để o bế, đãi người ngoài, kiểu “của người phúc ta” là thế mạnh để Chổm thăng tiến.
Ăn chơi lắm quen thói. Chổm luôn tìm cách ra khỏi nhà, có tháng chỉ ở quan dinh dăm ba buổi. Lấy cớ đi công việc, nhưng thực chất đi lo việc cho bản thân, chạy gạ gẫm đi du lịch nước ngoài, hay đi thăm quan những nơi Chỗm chưa đến, bởi Chổm biết thời gian tại vị chẳng còn nhiều.  Mà mỗi lần đi, quan Tổng Lý (giống như Văn phòng bây giờ) phải lo ngân khố cho Chổm. Dần dà, nợ đã lên quá nhiều. Nào là nợ ăn chơi, lễ tiết, khách khứa, nợ thầu, nợ quán, nợ phu kéo xe, nợ sắm sửa, chơi thể thao, xây cung điện thờ, đúc tượng đồng cho phụ thân, dòng tộc... ! Nợ chồng lên nợ. 
Bia miệng ghi lại, hồi ấy riêng khoản nợ không có khả năng thanh toán, tính đến đã hàng trăm tỉ ! Nhưng đã sao đâu! Cứ là phải hoành tráng, nên Chổm yêu cầu ngân khố phải đáp ứng. Ai băn khoăn, Chổm giải thích:"Sau này sẽ có người trả "! Rồi thì, muốn ăn, phải vẽ việc ra mới có cớ thanh toán, mới có ăn. Nên Chổm lo tìm kiếm khách, nhất là khách sang về chiêu đãi. Bật đèn xanh cho quan điều hành, phá bỏ nơi đang yên lành để xây công trình mới. Khắc danh, nhủ vàng, đề thơ ca ngợi mình vào cổng. Hại thay, mật ít ruồi nhiều, càng làm công trình mới, nợ xấu càng thêm chất chồng…. Tuy đã hợp lý hóa trả nợ hàng trăm tỉ rồi, nhưng cân đối mãi, vẫn còn gần trăm tỷ nợ, không khả năng thanh toán. Thế nên dân gian mới nói :"Nợ như Chúa Chổm là vậy”!
Ngày Chổm về, đi chuyến tàu vét, tha về tư dinh những thứ mà Chổm đã cho sắm trước như giường rồng, tủ phượng, bàn quy, cái ghế ngai to như khúc gỗ Lào, đến cái quạt… Thậm chí cả chiếc gương treo tường Chổm cũng gỡ.
Khi quân Chổm đang trên đường tiến về nhà, bỗng một số người của chủ hàng cơm, ngày xưa bán chịu cho Chổm, từ đâu kéo ra, chặn xe, vặt gương, đòi nợ cũ. 
Trốn nợ không được, tiền ngân khố lại hết, Chổm liền bảo quan ngự sử viết hóa đơn ký nợ. Lúc đó có nhiều người thấy biên nợ dễ dàng, cũng lấy giấy bút kê khai. Người nhớ thì tính đủ, kẻ tham, khi mua ba quan, tính thành năm quan, thậm chí thành mười… Tiền Chùa, tội gì không khai, may ra được. Thế là biến thành một cuộc ghi nợ tiền tỉ, đúng sai lẫn lộn, đông như đám hội tới hàng mấy chục tỉ.
 Lúc đó, có quan đại thần nghĩ: Chúa mình danh dự quốc gia, cứ để tình hình thế này thì còn ra thể thống gì. Bèn lấy bút phê hai chữ”Cấm Chỉ”, dán giữa phố, để chấm dứt việc biên nhận nợ.
 Cho nên, ngày nay ở Hà Nội, có phố mang tên phố Cấm Chỉ là vậy! Việc đó còn có ý nhắc nhở các thế hệ sau, từ nay Cấm Chỉ vay nợ mà ăn, kiểu ăn quà mắc nợ, nhục lắm!
5/2018
Chuyện cổ tân trang 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét